Cần Thơ: Phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao

06/04/2018 13:08

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, hiện địa phương này có diện tích cây ăn trái là hơn 17.120 ha. Thành phố đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất trái cây chất lượng cao hướng tới thị trường quốc tế.

Một vườn cây ăn trái ở TP.Cần Thơ (Ảnh: K.V)

Thời gian qua, nông dân tại các địa phương ở TP.Cần Thơ tích cực chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thành phố này cũng tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu. Hiện, TP.Cần Thơ có 17.121ha cây ăn trái, với sản lượng trái cây mỗi năm đạt hơn 98.000 tấn.

Cần Thơ hiện đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây tập trung, chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, như: xoài cát Hòa Lộc ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; dâu Hạ Châu, huyện Phong Điền; vú sữa huyện Phong Điền và Bình Thủy.v.v…

TP.Cần Thơ cũng đã xây dựng được 12 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại quận Cái Răng, huyện Phong Điền và Thới Lai…, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ từ 1,5 đến 2 lần so với chuyên trồng cây ăn trái.

Để nâng cao giá trị cho trái cây, phục vụ thị trường không chỉ trong nước mà còn để xuất khẩu, ngành nông nghiệp Thành phố và các địa phương đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nhất là tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có trên 9 ha trồng cây ăn trái tại Hợp tác xã Quả an toàn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long, huyện Phong Điền được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, với các loại cây ăn trái như sầu riêng, vú sữa, nhãn, mít và cam.

Ngoài ra, TP.Cần Thơ cũng sẽ phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái rộng 700 ha tại huyện Phong Điền, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, khu vực được chọn là xã Nhơn Nghĩa với diện tích 700 ha, trong đó có gần 500 ha là vườn tạp cần phải cải tạo. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Cần Thơ, việc xây dựng vùng chuyên canh là để sản xuất trái cây với số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, với mục tiêu là tăng nhu nhập, cải thiện đời sống cho người dân một cách bền vững. Mô hình sẽ ứng dụng nông nghiệp 4.0 để sản xuất ra sản phẩm hữu cơ theo yêu cầu của thị trường thế giới. Ngoài ra, cây vú sữa cũng đã có hướng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thành phố sẽ xác định giống chủ lực mang tính bền vững, tránh tình trạng người dân trồng tự phát, không theo định hướng dẫn đến thiệt hại kinh tế.

Huyện Phong Ðiền hiện có khoảng 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 6.500 ha trồng cây ăn trái và hơn 3.000 ha sản xuất lúa. Thời gian qua, nhiều diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Phong Ðiền đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có thể đạt thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/ năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Đến nay, huyện Phong Điền đã xây dựng và phát triển được các vùng tập trung sản xuất các loại cây ăn trái ngon, đặc sản để có thể tạo lợi thế cạnh tranh và thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như, vùng tập trung sản xuất dâu Hạ Châu khoảng 350 ha tại xã Nhơn Ái và thị trấn Phong Điền, vùng chuyên canh trồng vú sữa khoảng 250 ha tại xã Giai Xuân, vùng sản xuất chanh không hạt với quy mô hơn 100 ha tại xã Trường Long, vùng trồng nhãn tập trung tại xã Nhơn Nghĩa, trồng sầu riêng ở Tân Thới...

TP.Cần Thơ cũng đã đề nghị và được Đoàn công tác của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận cho Thành phố tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam để phát triển lĩnh vực trồng cây ăn trái. Đây là cơ hội để Thành phố có thêm các điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái.

Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao. Dự án sẽ có các hỗ trợ nhằm tăng cường các điều kiện thuận lợi về chính sách, thể chế và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trong thương mại hóa một số nông sản ở các địa phương tham gia dự án.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Cần Thơ cho biết, TP.Cần Thơ đăng ký tham gia dự án và mong muốn dự án giúp thành phố xây dựng vùng chuyên canh trái cây với quy mô tương đối lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng, phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái bền vững. Đặc biệt, với vai trò là trung tâm động lực phát triển của vùng và điều kiện diện tích đất sản xuất không nhiều, TP.Cần Thơ xác định cần thu hút đầu tư, hình thành được nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến trái cây để tập trung trái cây của đồng bằng về thành phố chế biến và đưa đi xuất khẩu./..

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới