Cần Thơ: Nhân rộng sản xuất lúa chất lượng cao

14/11/2024 10:27

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải từ 50 ha hướng đến 200 ha trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và tăng cường nhân rộng thêm trên cơ sở chất lượng, an toàn và bền vững. Thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô 38.000 ha và đến năm 2030 đạt 48.000 ha.

Đó là thông tin được ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ chia sẻ tại Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao) diễn ra tại huyện Cờ Đỏ vào sáng 13/11.

Chú thích ảnh

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Thành phố Cần Thơ thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được thành phố Cần Thơ với 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT). Giai đoạn này tập trung công tác xây dựng kế hoạch, thiết lập mã vùng trồng, tập huấn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình; xây dựng một số công trình, mô hình điểm để nhân rộng và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2 (2026-2030), địa phương xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập Đề án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp; nâng chất ngoài vùng Dự án VnSAT và mở rộng thêm 10.000 ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng thuộc Dự án VnSAT và vùng diện tích mở rộng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, triển khai ứng dụng hệ thống MRV; đồng thời duy trì bền vững ở những vùng dự án trong giai đoạn 2024 - 2025.

Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được thực hiện tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố là: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai; trong đó, huyện Vĩnh Thạnh là địa phương tham gia với quy mô lớn nhất, có 19.000 ha của 17.000 hộ thuộc 16 hợp tác xã; huyện Cờ Đỏ có 19.400 hộ thuộc 36 hợp tác xã tham gia 17.500 ha; huyện Thới Lai có 14.400 hộ thuộc 4 hợp tác xã tham gia 11.500 ha. Đến nay đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia cùng thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao tại thành phố Cần Thơ với 30.000 ha.

Để thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Nội vụ hoàn thiện thủ tục thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhận định, tổ chức thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao làm thay đổi tư duy sản xuất lúa của nông dân. Vì vậy, giữa doanh nghiệp và hợp tác xã phải liên kết hài hòa lợi ích, uy tín, bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lúa gạo từ khâu đầu vào đến khâu liên kết tiêu thụ. Xây dựng kế hoạch đề xuất, yêu cầu tăng cường năng lực hợp tác xã, phát triển mô hình sản xuất về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Đầu tư hệ thống hạ tầng, tưới tiêu để nâng cao hiệu quả quản lý nước và sử dụng nước đáp ứng nhu cầu ngăn lũ, vận hành điều tiết nước, bơm tưới tiêu chủ động trên vùng trọng điểm tham gia Đề án.

Chú thích ảnh

Trao quyết định thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở huyện Cờ Đỏ. 

 

Ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến vận động nông dân tham giá canh tác lúa theo quy trình Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Tập huấn nâng cao trình độ và tỷ lệ áp dụng sản xuất lúa an toàn, bền vững, chất lượng cao, giảm phát thải.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, trong năm 2024, thành phố Cần Thơ đã thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vụ Hè Thu và Thu Đông 2024 với diện 50 ha/vụ tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Kết quả các vụ lúa ghi nhận năng suất lúa thực hiện mô hình thí điểm cao hơn khoảng 0,7 tấn/ha so với nông dân canh tác theo phương thức truyền thống; kết quả đo đạc phát thải khí nhà kính trên ruộng mô hình và ruộng sản xuất theo tập quán nông dân cho thấy mô hình giảm từ 2-12 tấn CO2/ha so với đối chứng; tổng chi phí sản xuất ở mô hình giảm trung bình 1 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng;...

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới