Các tỉnh phía Bắc đặt mục tiêu giá trị sản xuất vụ Đông 2024 đạt 40.000 tỷ đồng

04/10/2024 12:42

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc là một trong các vụ sản xuất chính với sản phẩm đa dạng và mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chú thích ảnh

Trong vụ Đông 2024, các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt diện tích khoảng 420.000 ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Trong bối cảnh sản xuất lúa và các loại cây trồng khác; trong đó có rau màu chịu thiệt hại nặng nề do tác động của cơn bão số 3 (Yagi) và lũ, lụt sau bão, việc tập trung vào đẩy mạnh sản xuất vụ Đông 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng ngành trồng trọt, tạo thu nhập cho người dân, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán của các tỉnh phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Trong vụ Đông 2024, các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt diện tích khoảng 420.000 ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường giữa các loại rau màu ngắn ngày và cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân; mở rộng tối đa diện tích cây trồng còn thời vụ nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm “nước rút, có đất trống đến đâu gieo trồng đến đó”.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên - Huế trở ra tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2024; xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông 2024 linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, loại cây trồng, nguồn lực, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng cung cầu của thị trường. Kế hoạch sản xuất (nhất là bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ) của vụ Đông phải phù hợp để không ảnh hưởng tới sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025.

Các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất; khuyến khích, trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ Đông. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để chủ động tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Các địa phương tranh thủ tối đa thời tiết thuận lợi thu hoạch sớm, nhanh và gọn diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do bão và mưa lũ, đồng thời giải phóng đất sớm để trồng cây vụ Đông. 

Địa phương bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa ấm còn thời vụ. Phát triển nhóm cây vụ Đông ưa lạnh có lợi thế, có khả năng bảo quản dài và có thị trường tiêu thụ tốt. 

Đơn vị chuyên môn phổ biến và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao, các mô hình canh tác tiết kiệm, giảm sử dụng vật tư đầu vào để tận dụng thời gian, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế; chủ động chỉ đạo quản lý phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông.

Địa phương tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương, đặc biệt với các tỉnh trọng điểm rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu về diện tích, sản lượng đã đề ra. Phối hợp chặt chẽ với Cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương bám sát diễn biến của thời tiết để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời về tình hình nguồn nước tưới và tiêu nước cho cây trồng vụ Đông.

Cục Thủy lợi chủ động xây phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý; chỉ đạo công tác tưới tiêu, phòng chống mưa bão, úng ngập cây vụ Đông theo vùng, khu vực. Cục phối hợp với Trung tâm Khi tượng thủy văn để nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết để tham mưu, chỉ đạo các địa phương thực hiện biện pháp ứng phó hiệu quả với những tình huống thời tiết bất thuận, giảm thiểu tối đa thiệt hại đến cây trồng.

Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh, phát triển của các loài sinh vật gây hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; hướng dẫn sử dụng phân bón để đạt hiệu quả cao, đảm bảo tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào. Cục đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm vụ Đông.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chủ động, tăng cường hỗ trợ các địa phương kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ kịp thời, hiệu quả các sản phẩm nông sản nói chung và cây vụ Đông nói riêng.

Các đơn vị chuyên môn khác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái; mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, mô hình liên kết chuỗi để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Các hiệp hội và doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ số lượng, chủng loại, chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của sản xuất; giữ giá các loại vật tư thiết yếu; tăng cường phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới