Bình Dương: Hợp sức vốn nội và ngoại, tạo động lực tăng trưởng mới

10/07/2024 13:22

Sự kết hợp giữa sức mạnh nội tại từ nguồn vốn đầu tư trong nước và sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế và vốn đầu tư nước ngoài đang giúp Bình Dương phát triển mạnh mẽ, bền vững và toàn diện.

Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

 

Sự phát triển song song và tương hỗ giữa vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tạo nên một động lực mới cho thủ phủ công nghiệp Bình Dương.

Sự kết hợp giữa sức mạnh nội tại và sự hỗ trợ từ các nguồn lực quốc tế đang giúp Bình Dương phát triển mạnh mẽ, bền vững và toàn diện.

Vốn nội “vượt trội” vốn ngoại

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Dương ghi nhận những thành tựu đáng chú ý trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trong nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tỉnh đã thu hút được 48.117 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, với tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.365 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp giải thể giảm 10%.

TTXVN_0407dagiayBinhDuong.jpg

Công nhân làm khuôn nhựa sản xuất giày da tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)

Đáng chú ý, vốn đầu tư trong nước đã có những bước tiến vượt bậc, vượt qua cả vốn FDI.

Bình Dương đã thu hút vốn đầu tư trong nước, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có khoảng 72.319 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 1.134.123 tỷ đồng.

Những con số này không chỉ thể hiện sự hấp dẫn của Bình Dương đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn phản ánh sự đa dạng và phong phú của các ngành nghề kinh doanh tại đây.

Trong khi đó, vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt khoảng 824,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024, đứng thứ 9 so với cả nước và đạt 45,8% so với chỉ tiêu đề ra.

Quy mô trung bình dự án khoảng 3,62 triệu USD, cho thấy sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các dự án có quy mô lớn và chất lượng cao.

Tổng cộng, Bình Dương hiện có 4.322 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,9 tỷ USD, chiếm hơn 8,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết với vốn đầu tư trong nước đang gia tăng, Bình Dương có môi trường đầu tư hấp dẫn vốn trong nước không kém phần hấp dẫn so với vốn FDI.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của số lượng doanh nghiệp mới thành lập, cùng với sự giảm thiểu số lượng doanh nghiệp giải thể, cho thấy sự phát triển bền vững và ổn định của nền kinh tế địa phương.

Vốn đầu tư trong nước không chỉ vượt trội về số lượng mà còn tạo nên một môi trường kinh doanh năng động và đa dạng. Các doanh nghiệp trong nước đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất và công nghệ mới, tạo ra những cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương Phạm Văn Xô cho biết nguồn vốn đầu tư trong nước bật tăng trong 6 tháng qua ở Bình Dương đã cho thấy năng lực đầu tư trong nước ngày càng tăng sức đề kháng và nền tảng cho nền kinh tế của nước nhà ngày càng tốt lên.

Trước đây, nền kinh tế tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn FDI, nhưng nay có thêm dòng vốn trong nước bổ sung dồi dào làm tăng thêm cơ hội cho phát triển.

Mặt khác, điều này cho thấy các nhà đầu tư trong nước đã vào “guồng máy” theo chương trình khởi nghiệp quốc gia ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, theo ông Xô, việc gia tăng vốn đầu tư trong nước cần thận trọng, bởi nguồn vốn đó phải đầu tư đúng chính sách, đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ mới, hội đủ điều kiện và tiêu chuẩn về kinh tế xanh, và phù hợp với xu hướng của thị trường quốc tế mới có thể tồn tại bền vững.

Trong khi đó, vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và quy mô các dự án đầu tư tại Bình Dương. Các dự án FDI tập trung vào các khu công nghiệp, với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn. Điều này không chỉ mang lại nguồn ngoại lực mạnh mẽ mà còn giúp Bình Dương tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và thị trường quốc tế.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương khẳng định: "Đối với Bình Dương, trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh đang huy động các nguồn lực, tất cả các thành phần kinh tế; trong đó, không chỉ riêng doanh nghiệp FDI là nguồn ngoại lực có vai trò, vị trí đặc biệt mà dòng vốn đầu tư trong nước cũng nổi lên hết sức quan trọng trong tình hình đổi mới của tỉnh. Vì thế, Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đầu tư và hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.”

Động lực mới cho Bình Dương

Bình Dương không chỉ tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư mà còn chú trọng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển cơ sở hạ tầng.

Các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những bước đi chiến lược để thu hút FDI chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.

TTXVN_3005giaothongBinhduongDongnambo.jpg

Đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 62km với 10 làn xe kết nối các khu công nghiệp tại Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh nhận định rằng vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm với hàng chục ngàn tỷ đồng đã tạo ra động lực lớn cho phát triển của tỉnh.

Ông Minh cho biết thêm tỉnh đang quy hoạch và chấp thuận chủ trương các khu đô thị lớn trên địa bàn thành phố Bến Cát nằm dọc hai bên đường tạo lực Vành đai 4.

Khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - Khu số 1 có diện tích khoảng 2.702 hecta bao gồm một phần của phường An Tây, phường An Điền và xã Phú An. Tính chất, chức năng chính của khu vực: Là khu đô thị Cảng-Logistics-Dịch vụ; đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, cửa ngõ kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh qua tuyến giao thông Vành đai 4. Thời hạn thực hiện các hạng mục quy hoạch dự kiến đến năm 2040.

Sơ bộ khái toán tổng vốn đầu tư khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4- thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương được quy hoạch 3 nhóm dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, dự án hạ tầng xã hội khung, dự án phát triển đô thị.

Các dự án quy hoạch tổng thể mới sẽ dự kiến thu hút hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào khu vực này.

Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì và phát huy những lợi thế này để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với những quy hoạch chiến lược và nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư, thủ phủ công nghiệp đang vững bước trên con đường phát triển bền vững và toàn diện./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới