Bà Rịa-Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao để phát triển chăn nuôi bền vững
22/09/2024 10:34
Việc chuyển đổi tập trung, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn hướng tới ngành chăn nuôi phát triển xanh, bền vững ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngành chăn nuôi tại Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị.
Việc chuyển đổi này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn hướng tới ngành chăn nuôi phát triển xanh, bền vững.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 404.000 con lợn, 6,8 triệu con gia cầm và hơn 155.000 con trâu, bò, dê.
Chăn nuôi trong ngành nông nghiệp ngày càng chuyển dịch nhanh, nếu như năm 2005 tỷ lệ này chỉ chiếm 31,6% thì đến năm 2024 đạt gần 47%; trong đó, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt gần 35%.
Trang trại chăn nuôi gà sinh phẩm trong chuồng lạnh của gia đình ông Vũ Văn Thanh, ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, từ bên ngoài trại gà nhìn cũng như các trại chăn nuôi truyền thống khác, thế nhưng khi bước vào bên trong khu nuôi là cả một hệ thống khép kín, với đầy đủ các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ chăn nuôi.
Được đầu tư từ năm 2015, 8 trại gà chăn nuôi của gia đình ông Thanh được thiết kế xây dựng khép kín, cách ly hoàn toàn với bên ngoài, hệ thống máy lạnh công suất lớn, nhiệt độ luôn được điều chỉnh phù hợp theo độ tuổi của gà.
Cùng với đó, thức ăn, nước uống của gà cũng có hệ thống lắp đặt hoàn toàn tự động. Chính vì thế, mỗi trại gà nuôi hơn 30.000 con nhưng cũng chỉ cần 1 nhân công.
Không chỉ tiết kiệm công lao động, mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Thanh còn mang lại hiệu quả kinh tế cao do tỷ lệ gà nuôi hao hụt thấp, thời gian nuôi ngắn, mỗi năm trang trại của gia đình ông Thanh nuôi từ 4-5 lứa gà, xuất bán ra thị trường 150 tấn gà thương phẩm.
Ông Thanh chia sẻ nhờ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chúng tôi có thể kiểm soát chặt chẽ được mầm bệnh, giúp người nuôi gà giảm thiệt hại khi tỷ lệ hao hụt cao.
Tương tự, 4 trại nuôi gà chuồng lạnh khép kín công nghệ cao với quy mô 80.000 con/lứa, mỗi năm nuôi được 3 lứa được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu, xã Suối Rao, huyện Châu Đức đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020.
Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty cho biết vốn đầu tư cho mô hình khá lớn, khoảng 2,2 tỷ đồng/trại. Các trại nuôi gà được nuôi đúng tiêu chuẩn với diện tích 1.600 m2/20.000 con/trại.
Trại được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn. Không chỉ đầu tư chuồng lạnh, trang trại này còn có hệ thống quản lý nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, nước uống tự động.
Ngoài ra, hệ thống phun thuốc sát trùng và xử lý phân được kích hoạt để ngăn ngừa vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến đàn gà, ngăn mùi hôi phát sinh. Gà giống, thức ăn được nhập từ Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Sau 6 tháng hoạt động, công ty của ông Thanh đã xuất bán lứa thứ 2, toàn bộ đầu ra được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bao tiêu. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/lứa.
Theo ông Thanh, nuôi gà theo mô hình truyền thống là trại hở không điều chỉnh được nhiệt độ nên trại lúc nóng, lúc ẩm ướt, lạnh... khiến đàn gà dễ sinh bệnh, nguy cơ thất thu cao, chưa kể đầu ra bấp bênh.
Đến kỳ xuất chuồng, nếu không tiêu thụ được, người nuôi phải tốn chi phí duy trì, gà ít tăng cân trong khi lượng thức ăn cho gà hàng ngày vẫn phải bảo đảm nên hiệu quả thấp.
“Nuôi gà theo hướng công nghệ cao tuy mức đầu tư ban đầu khá lớn, song quá trình nuôi lại hạn chế tối đa được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 2%. Ngoài ra, việc liên kết với các doanh nghiệp khác cũng tạo đầu ra ổn định, bền vững hơn so với nuôi gà theo kiểu truyền thống,” ông Thanh cho hay.
Còn tại trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao của công ty trách nhiệm hữu hạn Trang Linh, ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, hiện đang nuôi hơn 38.000 con lợn; trong đó, có 35.000 con lợn thịt và 3.000 con lợn nái, hoàn toàn ứng dụng công nghệ cao vào trong chăn nuôi khép kín.
Theo anh Phạm Trường Giang, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Trang Linh, cho biết trang trại của gia đình anh được thành lập từ năm 2002, trên diện tích 70ha; trong đó, 25ha sử dụng trong chăn nuôi lợn. Ngay từ khi thành lập trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn.
Hiện trang trại Trang Linh đang ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, khép kín trong chuồng lạnh, máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động. Điều đáng nói là, mặc dù nuôi trong phòng lạnh nhưng mỗi chuồng nuôi sẽ thiết kế một nửa sàn ximăng, một nửa là đệm lót sinh học, để khi nóng lợn sẽ lên sàn xi măng nằm, còn khi lạnh lợn có thể xuống đệm lót nằm.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi lợn nuôi từ khi sinh ra cho đến kỳ xuất chuồng lợn thịt hoàn toàn không tắm (không tiếp xúc với nguồn nước), từ thiết kế và cách chăn nuôi này đã giúp hạn chế về dịch bệnh, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong sử dụng điện, nước, thuốc thú y, đảm bảo về môi trường nuôi do không phát sinh nước thải, không phải xử lý nước thải trong trong chăn nuôi.
Anh Phạm Trường Giang cũng chia sẻ thêm áp dụng mô hình chăn nuôi này sẽ kéo dài thời gian nuôi hơn so với nuôi bình thường, nhưng chất lượng thịt sẽ ngon hơn, thịt đỏ, nhiều nạc.
Chính vì vậy, mà hiện nay giá lợn hơi của trang trại anh luôn bán cao hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thị trường. Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trang trại của gia đình anh Giang cũng tiết kiệm được khoảng 50% chi phí trong chăn nuôi.
Ngoài ra, hiện nay tại trang trại còn đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm chăn nuôi lợn để cung cấp cho thị trường và phục vụ trồng rau sạch trong nhà lưới.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đến nay, tỉnh đã qui hoạch 34 vùng chăn nuôi tập trung tại thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Long Điền.
Tại các vùng quy hoạch này ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 177 trang trại chăn nuôi, với diện tích gần 230ha trong đó có hơn 75% trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều được qui hoạch xa khu dân cư sinh sống, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, để đạt mục tiêu đề ra tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chính sách tín dụng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, tỉnh cũng ưu tiên xây dựng phát triển hạ tầng các khu, vùng đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp; tổ chức các chuyến tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài nước để áp dụng các mô hình phù hợp, hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết để đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, ngành đang xây dựng Đề án chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là hướng đi đầy triển vọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế
Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng
Bến Tre: Mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ, đẩy mạnh xuất khẩu