Bà Rịa - Vũng Tàu: Nguy cơ mất mùa tiêu
25/10/2024 16:37
Thời điểm hiện nay, các vườn hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang trong giai đoạn nuôi trái để chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào khoảng giữa tháng 1/2025.
Thế nhưng, trước đó do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi tiêu bị rụng hoa nên tỷ lệ đậu trái thấp, nguy cơ mất mùa cao. Nhiều nông dân lo lắng bởi hiện giá tiêu đang ở mức cao, khoảng 150.000 đồng/kg, lợi nhuận vì thế sẽ giảm mạnh.
Thời điểm này, các vườn tiêu đang trong thời điểm nuôi trái. Nhìn vào tỷ lệ tiêu đang kết trái trên cây có thể thấy, sản lượng vụ tiêu năm nay sẽ giảm mạnh. Tại huyện Xuyên Mộc, nhiều vườn tiêu ra lá xum xuê, xanh tốt, nhưng tỷ lệ đậu trái rất thưa thớt. Anh Trần Văn Pháp ở ấp 1, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc có vườn tiêu diện tích 1,1 ha chia sẻ, nếu như năm ngoái vườn tiêu của gia đình thu về hơn 5 tấn, thì năm nay tỷ lệ đậu trái chỉ đạt khoảng 50% sản lượng so với vụ năm ngoái.
Theo anh Pháp, thời điểm người dân đang xử lý cho cây ra hoa thì gặp thời tiết nắng gay gắt và kéo dài, khô hạn khiến cây ngưng ra đọt không ra được hoa. Cây nào ra được hoa thì bị rụng hàng loạt khiến tỷ lệ đậu trái trên cây rất thấp.
Còn vườn tiêu 3 ha của gia đình ông Hoàng Văn Quân, ở xã Hòa Hiệp cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù được đầu tư khá bài bản và trồng theo hướng hữu cơ nhưng năng suất vụ tiêu này của gia đình vẫn giảm mạnh do tác động bất lợi của thời tiết. Dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 6 tấn trái, bằng 50% sản lượng so với năm ngoái.
Trong khi đó, giá tiêu đang ở mức cao nên việc mất mùa khiến nông dân rất tiếc. Sau bao năm tiêu lao dốc, các vườn tiêu bị bỏ bê không được đầu tư chăm bón. Đến nay, khi tiêu có giá, người trồng tập trung chăm sóc thì lại gặp phải thời tiết bất lợi, mất mùa - anh Quân tiếc nuối chia sẻ.
Tại huyện Châu Đức, vùng trồng tiêu lớn nhất của tỉnh, nhiều nông dân cũng gặp tình trạng tương tự. Vườn tiêu gần 2 ha của ông Hồ Văn Thư, ngụ xã Bình Gĩa, huyện Châu Đức cũng giảm năng suất vì thời tiết. Theo ước tính, vụ tiêu này của vườn nhà ông Thư chỉ đạt 2,5 tấn thay vì 5 tấn như vụ trước.
Ông Thư cho biết, hồ tiêu là loại cây nhạy cảm, thất thường như thời tiết, tình trạng mất mùa cũng thường xảy ra. Năm nay năng suất dự kiến sẽ giảm hơn 50%. Ông Thư nhận định, nguyên nhân là do sự biến đổi thất thường của thời tiết. Năm nay mùa mưa đến muộn, thời tiết khô, nóng, độ ẩm thấp nên không thuận lợi cho việc ra bông của hồ tiêu.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu của tỉnh hiện vào khoảng 10.500 ha. Mặc dù từ niên vụ 2023, giá tiêu bắt đầu tăng trở lại, nông dân đã tập trung chú trọng đầu tư, chăm sóc cho cây tiêu nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên dự báo niên vụ tiêu này sản lượng sẽ giảm mạnh so với năm ngoái.
Hiện người trồng tiêu trên địa bàn đang tập trung chăm sóc chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ mới. Trước những biến động của thị trường hồ tiêu như hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, người dân cần tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất. Những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết thì không nên tái canh, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp.
Đồng thời, người trồng cần nắm bắt thị trường kịp thời để có mức đầu tư phù hợp. Đồng thời, tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo cho cây tiêu phát triển bền vững những vụ tiếp theo. Cùng đó, người dân chú trọng tham gia các chuỗi liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể xuất khẩu ra các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chuỗi tỷ USD rót vào sản xuất xanh
Làng hoa An Lạc hối hả chuẩn bị vụ Tết
Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng từ 10 - 15%
Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra
Giá nhiều loại thủy sản tăng cao
Nhu cầu đặt hoa cúc mâm xôi Tết tăng cao, giá cũng tăng
Bến Tre: Mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ, đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam và Malaysia hướng tới dấu mốc mới trong quan hệ thương mại
Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ
'Chất xúc tác' cho phát triển ngành logistics