Bà Rịa-Vũng Tàu: Người trồng càphê phấn khởi vì được mùa được giá
26/11/2023 10:00
Do càphê vừa được giá, vừa được mùa, nhiều hộ nông dân trồng càphê ở Bà Rịa-Vũng Tàu sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 100-200 triệu đồng.
Các hộ trồng càphê tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch rộ, càphê năm nay được mùa, giá càphê đang ở mức cao khiến nhiều người trồng rất phấn khởi.
Gia đình ông Võ Ngọc Thanh, ở thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức có 400 gốc càphê giống xanh lùn và giống ghép trồng xen canh với cây sầu riêng trên diện tích 1,8ha đang thu hoạch được 2 năm cho biết, năm nay giá càphê đang ở mức cao hơn mọi năm từ 16.000-22.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Càphê, Ca cao Việt Nam, giá trị càphê sẽ tăng hơn nữa nếu nông dân sản xuất càphê chú trọng đến chất lượng hạt càphê nguyên liệu.
Cụ thể, nếu như vụ càphê năm ngoái gia đình ông chỉ bán được dao động từ 37.000-43.000 đồng/kg cà phê, năm nay mới đầu mùa gia đình ông đã bán được giá 58.000-59.000 đồng/kg. Điều đáng vui mừng hơn là năm nay vườn càphê của gia đình ông cũng trúng mùa, dự kiến thu về hơn 2 tấn, với giá bán như hiện nay gia đình ông sau khi trừ chi phí dự kiến thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Nhận thấy thị trường giá càphê nhân đang tăng, sức tiêu thụ lại rất tốt gia đình ông Thanh dự kiến sẽ trồng thêm từ 300-400 gốc càphê xen thêm trên diện tích đất 1,8ha của gia đình.
Ông Thanh là một trong những nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có thời trồng cây càphê, rồi khi giá xuống thấp ông đã chặt để chuyển qua trồng cây tiêu, khi tiêu rớt giá gia đình ông lại quay lại trồng càphê xen với sầu riêng.
“Những năm trở về trước cây càphê không có giá nên gia đình đã chặt để chuyển đổi sang trồng cây tiêu, sầu riêng… Tuy nhiên, sau một thời gian cây tiêu mất giá, cây sầu riêng lại quá khó chăm sóc, chi phí đầu tư phân, thuốc nhiều nên gia đình tôi lại quay lại trồng cây càphê.
Sau thời gian chuyển qua nhiều loại cây trồng khác, nhận thấy cây càphê vẫn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí phân thuốc lại không nhiều, thu hoạch cũng không quá cực như thu hoạch tiêu, nếu giá bán ổn định như hiện nay, nông dân sẽ không phải chật vật khi trồng loại cây này,” ông Võ Ngọc Thanh chia sẻ.
Vườn của gia đình ông Lê Hoàng, ngụ thôn 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang có 9 sào đất trồng hơn 1.100 cây càphê giống xanh lùn, càphê của gia đình ông năm nay thu hoạch được 2 năm, cây đang độ sung sức nên vụ năm nay gia đình ông Hoàng đạt hơn 4 tấn hạt, cao gấp đôi so với năm ngoái.
Với giá bán 59 nghìn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lời khoảng 200 triệu đồng từ vụ càphê này.
“Càphê hiện nay vừa được giá, vừa được mùa, hầu như vườn nào xung quanh đây cũng đều trúng vụ, tiêu thụ lại rất dễ dàng, nông dân không có hàng để bán, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu,” ông Lê Hoàng chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu như năm 2022 diện tích cây càphê trên địa bàn tỉnh là 3.826ha, đến nay diện tích cây càphê trên địa bàn tỉnh đã bị giảm hơn 219 ha, còn hơn 3.643ha. Mặc dù là cây trồng dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều nhưng những năm trước giá bán càphê lại ở mức thấp khiến nhiều người không “mặn mà.”
Theo nhiều người trồng, nếu càphê ở mức giá như hiện nay, người trồng có lãi và có động lực duy trì, phát triển loại cây trồng này.
Trước tình trạng diện tích cây càphê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ngày càng giảm mạnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tái canh Càphê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt Kế hoạch trồng tái canh 108ha càphê; trong đó, huyện Xuyên Mộc với 30ha, huyện Châu Đức với 78ha, năng suất vườn càphê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn nhân/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích càphê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh.
Việc thực hiện việc tái canh càphê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng càphê; nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng càphê trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, giá càphê ở mức khá thấp nên nhịp độ tái canh bị chững lại. Nay giá càphê nhân ở mức cao nhất 15 năm qua là cơ hội để thúc đẩy các hộ nông dân mở rộng diện tích canh tác và tăng cường tái canh.
Khi cây càphê đang có giá trở lại, sức tiêu thụ tốt, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến cáo nông dân có ý định trồng mới lại cây càphê cần lựa chọn giống cây càphê phù hợp với thổ những, khí hậu, giống cây càphê cũng phải có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo về chất lượng cây trồng, nông dân nên nghiên cứu kỹ về thị trường, sức tiêu thị của càphê nhân, không nên khi thấy có giá lại ồ ạt chạy theo trồng, để khi cây rớt giá lại chặt bỏ./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan