Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công 7 dự án trong tháng 11

12/11/2024 10:33

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt 56,35%, đạt tỉ lệ thấp so với cùng kỳ năm 2023.

Chú thích ảnh

Thi công lu nền đường dự án đường ven biển DT994, đoạn qua thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các chủ đầu tư triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao đầu năm và bổ sung trong năm (nếu có). UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì cùng với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện việc việc ký cam kết tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2024 cho các dự án đầu tư công trên địa bàn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; UBND yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu và khởi công 10/25 dự án còn lại thuộc danh mục khởi công mới năm 2024, dự kiến trong tháng 11/2024 sẽ khởi công 7 dự án.

Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới nay là hơn 20.866 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.747 tỉ đồng, các dự án tỉnh quyết định đầu tư  là hơn 13.220 tỷ đồng; các dự án cấp huyện quyết định đầu tư là hơn 5.898 tỷ đồng. Tới nay đã phân bổ đạt 100% tổng nguồn vốn.

Tuy nhiên, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến nay mới đạt hơn 11.758 tỷ đồng, đạt 56,35% kế hoạch. Năm 2024, tỉnh phân bổ vốn cho 25 dự án khởi công mới, tuy nhiên tới nay có 15 dự án đã khởi công xây dựng, 7 dự án đang tổ chức đấu thầu và 3 dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để thực hiện đấu thầu và khởi công.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là tổng số vốn đã phân bổ tới nay cao hơn tổng vốn phân bổ năm 2023 là hơn 4.116 tỷ đồng. Cùng với đó là do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng; thực hiện thủ tục đầu tư chậm đối với các dự án khởi công mới; vướng mắc liên quan điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, vướng mắc liên quan đến quá trình triển khai như công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; chưa quyết liệt chủ động hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; chất lượng chuẩn bị dự án chưa cao dẫn đến nhiều dự án chậm trình duyệt…

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới