An Giang dành gần 1.250 tỷ đồng dự trữ hàng Tết, bình ổn thị trường

28/12/2023 14:41

Toàn tỉnh An Giang có 20 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hoá ước đạt 1.249 tỷ đồng tăng khoảng 3% với kết quả thực hiện năm trước.

Người dân mua sắm hàng hoá tại siêu thị. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Người dân mua sắm hàng hoá tại siêu thị. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

 

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 với tổng giá trị trên 1.249 tỷ đồng, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý...

Kế hoạch Bình ổn Thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được thực hiện từ ngày 13/12/2023 đến hết ngày 29/2/2024 (tức ngày 1/11 năm Quý Mão đến hết ngày 20/1 năm Giáp Thìn) tại tất cả các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thành Huân, năm nay, toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường với tổng số tiền dự trữ hàng hoá ước đạt 1.249 tỷ đồng tăng khoảng 3% với kết quả thực hiện năm trước (tính từ 1/11/2023 đến ngày 29/02/2024); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm... trị giá 682 tỷ đồng tăng 6,5% so thực hiện năm trước; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng trị giá 567 tỷ đồng, bằng 99% so thực hiện năm trước). Mức giá bán ra luôn ổn định, tốt nhất cho người tiêu dùng.

Các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay (trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu) với lãi suất ưu đãi và thuận lợi nhất.

Đồng thời, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa đảm bảo chất lượng, bán hàng đúng theo giá đã cam kết; kịp thời cung ứng đủ hàng khi thị trường biến động; tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn, tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, thực hiện các chương trình khuyến mại...

Với 212 đại lý, cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn thị trường (giảm 142 điểm bán so với kế hoạch năm trước); trong đó, có 113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm (giảm 9 cửa hàng, do hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh và Winmart cộng giảm số lượng cửa hàng hoạt động) và 99 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tùy theo tình hình thực tế từng địa phương, hàng hóa sẽ được điều tiết từ các siêu thị/cửa hàng tiện ích trong cùng hệ thống đến nơi thiếu hàng cục bộ, hoặc vận chuyển hàng hóa từ các kho tổng của hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích về phân bổ cho phù hợp.

Đồng thời, tùy theo nhu cầu tình hình thực tế sẽ bố trí xe gắn máy hoặc xe chuyên dùng để cung ứng hàng hóa.

Khi có nhu cầu, các công ty sử dụng xe tải để vận chuyển lương thực, thực phẩm đến điểm tập kết để phân phối trực tiếp cho người dân.

Trường hợp xe tải không đến được khu vực sẽ sử dụng phương tiện xe gắn máy để vận chuyển.

Ngoài ra, hiện nay, tại mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang có 5-6 cửa hàng tiện ích và 1-2 siêu thị (tại Long Xuyên, Châu Đốc, Thoại Sơn và Tân Châu) cùng các chợ truyền thống cung ứng hàng hóa cho địa phương.

ttxvn-2712-an-giang-hang-tet-2-99.jpg

Người dân mua sắm hàng hóa tại chợ Tịnh Biên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trong trường hợp thiếu nguồn hàng cung ứng cho người dân địa phương, các doanh nghiệp có thể điều chuyển nguồn hàng từ những siêu thị, cửa hàng tiện ích của địa phương khác cùng chung hệ thống để hỗ trợ nguồn cung, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của người dân khi cần.

Trong bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; giá xăng dầu trên thị trường thế giới có thể biến động đảo chiều tăng giá vào cuối năm; giá lương thực dự báo có thể vẫn biến động ở mức có lợi cho người sản xuất; giá cả các mặt hàng thiết yếu thường có biến động vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng thường tăng theo quy luật.

Do đó, để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường cuối năm, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tỉnh An Giang đề nghị các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu, có thể tăng cao hoặc biến động giá...

Qua đây chủ động có phương án hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; không để xảy ra khan hiếm hàng, hết hàng làm rối loạn thị trường, gây hoang mang trong nhân dân.

Ngoài ra, phối hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp kết hợp các chương trình, hội chợ, khuyến mại kích cầu tiêu dùng trên địa bàn.

Đặc biệt, tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh trong chợ sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, gọn gàng, tránh tình trạng các quầy hàng lấn chiếm lối đi chung gây cản trở và mất mỹ quan, văn minh chợ; tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực chợ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các điểm tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh đến với người dân.

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng Sở Tài chính, Cục Quản lý Thị trường thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Từ đó, cập nhật báo cáo tình hình theo quy định về Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh để kịp thời có sự chỉ đạo, điều hành, điều tiết và bình ổn thị trường đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới