Xây dựng tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

04/05/2024 13:38

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Sự kiện do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức, thu hút sự quan tâm, tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.

Đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trở thành “cuộc đua” mới

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: Công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; là tiền đề, động lực thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Thế giới đã chứng kiến thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định trong suốt 20 năm qua và được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ USD vào năm 2030. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành “cuộc đua” mới giữa các quốc gia, các nền kinh tế trong thế kỷ 21. Mỗi quốc gia đều có chiến lược riêng phát triển sản phẩm, nhóm sản phẩm trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn dựa trên thế mạnh của mình.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế; môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn; nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cơ bản, khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên-vật liệu thuận lợi… Bên cạnh đó, một điểm mạnh làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư là vị thế và uy tín quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề, môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này; từ chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến những nỗ lực vượt bậc trong ưu tiên phát triển hạ tầng, như năng lượng, logistics…

Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Gợi mở các vấn đề cần bàn thảo sâu để phát triển ngành này, Phó Thủ tướng cho rằng, cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn phù hợp với điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng khoa học, kỹ thuật hiện có để phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng tháp nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, cũng như phát huy được năng lực, sở trường, nhất là về toán học, khoa học cơ bản vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Đề cập đến việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Phó Thủ tướng chia sẻ: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng cần cơ chế nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khóa đào tạo và chương trình huấn luyện chuyên sâu, tạo điều kiện, môi trường để họ tiếp tục nghiên cứu và cập nhật kiến thức mới nhất. Việt Nam mong muốn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ bán dẫn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh và học thuật thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn.

Dịp này, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự mạnh dạn và quyết tâm của Tập đoàn Phenikaa khi tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với các hành động thiết thực mang tầm chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu, thông qua việc xây dựng hệ sinh thái bao gồm: Giáo dục đào tạo - Nghiên cứu khoa học - Công nghệ - Sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Phó Thủ tướng ghi nhận sự tham gia của thành phố Đà Nẵng, cũng như các đối tác liên quan khác trong việc hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động cụ thể và cam kết vì sự phát triển nguồn nhân lực vi mạch của Việt Nam.

Ra mắt Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kĩ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới; cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng...

Tập đoàn Phenikaa và các đối tác cũng đã công bố những bước đi cụ thể nhằm đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam.

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa cho biết: Tập đoàn chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc đầu tư mang tầm chiến lược: Thành lập Công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; Thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng; Trường Đại học Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm học 2024-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu đáp ứng nhu cầu xã hội; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Phenikaa với các trường đại học: Arizona State University - Hoa Kỳ, Chang Gung University Đài Loan (Trung Quốc), các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holding…, nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.

Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn VASA cũng chính thức ra mắt tại hội thảo. Liên minh này được thành lập bởi Trường Đại học Phenikaa và Thành phố Đà Nẵng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Liên minh sẽ tối ưu mọi nguồn lực hiện có theo hướng chia sẻ tài nguyên, áp dụng mô hình quản trị đào tạo hiện đại, đào tạo nâng cao kĩ năng (upskill) với các chứng chỉ được giới công nghiệp chấp nhận, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho thị trường trong nước và nước ngoài.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới