Việt Nam tham dự Hội nghị trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai
22/09/2023 15:47
Ngày 21/9 theo giờ New York, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, với sự tham dự của khoảng 150 Bộ trưởng và đại diện các quốc gia thành viên. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại hội nghị, các bộ trưởng nhất trí về các khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay, đặc biệt là biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, cũng như sự suy giảm lòng tin và hợp tác đa phương... Các nước đặc biệt quan ngại về việc mới chỉ đạt 14% tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) sau nửa chặng đường, từ đó cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo chất xúc tác mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030. Trên cơ sở đó, các nước đã chia sẻ tầm nhìn và các ưu tiên cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai. Nhân dịp này, các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết nhằm củng cố quản trị toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương, kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng trù bị lần này, chuẩn bị thật tốt cho Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai để tạo sự đột phá, thay đổi về tư duy, tăng cường cam kết và hành động. Từ đó, Bộ trưởng cho rằng cần lắng nghe đầy đủ ý kiến của các quốc gia và các bên liên quan, trong đó có vai trò quan trọng của thanh niên trong định hình thế giới tương lai; đồng thời quá trình ra quyết định cần do các quốc gia thành viên dẫn dắt và được tiến hành một cách công khai, minh bạch, bao trùm, không tạo trùng lặp hay gánh nặng không cần thiết cho các nước đang phát triển. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các thỏa thuận thời gian tới cần tập trung thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững, bảo đảm công bằng, công lý và nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt; việc cải tổ các hệ thống đa phương toàn cầu, trong đó có các thể chế tài chính quốc tế, phải ưu tiên bảo đảm quyền lợi và tạo thêm tiếng nói cho các nước đang phát triển. Bộ trưởng chỉ ra những thách thức bức bách cần giải quyết như ứng phó biến đổi khí hậu, quản trị y tế toàn cầu, xử lý một cách bền vững mối quan hệ nước-lương thực-năng lượng, cũng như bảo đảm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ (tháng 6/2020), các nước thành viên LHQ đã thông qua tuyên bố, trong đó đề nghị Tổng Thư ký LHQ đề ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những thách thức hiện tại và trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tháng 9/2021, Tổng thư ký đã ra Báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” nhằm kêu gọi đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Một trong những đề xuất quan trọng nhất của Báo cáo là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai nhằm thống nhất các biện pháp để thực hiện các cam kết đã đưa ra. Đại hội đồng LHQ đã nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh từ 22-23/9/2024 và có Hội nghị trù bị cấp Bộ trưởng vào tháng 9/2023.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Việt Nam tích cực thúc đẩy tiến trình thực hiện các sáng kiến liên kết ASEAN
Rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu điều trị và chi trả BHYT
Thời tiết ngày 9/5: Không khí lạnh tràn về, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát
Việt Nam - Nga: Cơ hội mở rộng hợp tác thương mại song phương
Việt Nam và Slovakia thúc đẩy hợp tác đấu tranh chống tội phạm
Áo dài Nhật Bình - Sứ giả văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ
Ngày 8/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận nhiều dự án luật quan trọng
Hướng dẫn cách tính lương tháng hiện hưởng làm căn cứ tính số tiền được hưởng do tinh gọn bộ máy Thứ Năm, 08/05/2025
Thời tiết ngày 8/5: Nắng nóng gay gắt, Bắc Bộ và Trung Bộ có nơi trên 39 độ C