Việt Nam kêu gọi các nước tăng cường hợp tác về y tế
29/05/2024 17:07
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva tích cực phối hợp tham gia khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA77), diễn ra từ ngày 28/5 tới 1/6.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ
Chia sẻ với phóng viên TTXVN bên lề khóa họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy nhiều nước chưa chuẩn bị tốt cho quy mô dịch trên toàn cầu. Một đại dịch tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy từ bài học của đại dịch COVID-19, tất cả các quốc gia cần phải tăng cường năng lực, sẵn sàng chuẩn bị một cách tốt nhất với các đại dịch trong tương lai. Các nước cũng cần hợp tác, cùng hành động để có thể đáp ứng một cách tốt nhất và giảm thiểu những mối đe dọa an ninh y tế toàn cầu, và có thể ứng phó một cách nhanh chóng và hiệu quả với tất cả những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra.
Các nước trên thế giới hiện nay gặp nhiều thách thức trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đầu tiên, đó là mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng biết Việt Nam là 1 trong 20 nước dễ bị tổn thương nhất về biến đổi khí hậu và tác động từ vấn đề này tới sức khỏe ngày càng tăng, do hiện tượng thời tiết cực đoan, mô hình bệnh tật thay đổi, ví dụ như dịch sốt xuất huyết xảy ra ở những địa phương trước đây chưa bao giờ có dịch. Thứ hai là về gánh nặng bệnh tật và tử vong của các bệnh không lây nhiễm, do các nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia hay chế độ ăn uống không lành mạnh. Thứ ba là bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Rất nhiều người không thể tiếp cận dịch vụ y tế họ cần và tại địa điểm cần, với mức chi phí có thể chi trả được. Thứ tư, đó là nguy cơ tái bùng phát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Do dịch COVID-19, nhiều nước không thể tiếp tục chương trình tiêm chủng mở rộng thông thường, dẫn đến gián đoạn và nhiều trẻ em không được tiếp cận vaccine. Có thể thấy dịch sởi bùng phát lại ở nhiều nước. Do đó, để ứng phó với các thách thức này, các nước cần chuẩn bị sẵn sàng và cùng nhau hành động, cùng nhau hợp tác, qua đó hướng đến việc tiếp cận công bằng trong dịch vụ y tế, thuốc, vaccine hay sinh phẩm”.
Khóa họp năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong khuôn khổ WHA77, các nước sẽ xem xét thông qua Văn kiện quốc tế mới về đại dịch và Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) sửa đổi. Nội dung của cả hai văn kiện đều bao gồm các điều khoản về tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, thúc đẩy khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất và sản phẩm phòng chống dịch bệnh. Nếu những văn kiện này được thông qua, đây sẽ là bước đột phá của hệ thống y tế toàn cầu trong công tác ngăn ngừa và ứng phó với dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp.
Trong hơn 2 năm qua, quá trình đàm phán hai văn kiện này nhận được sự quan tâm và tham gia đóng góp tích cực của đông đảo các nước và tổ chức quốc tế. Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cũng đã theo dõi chặt chẽ hai tiến trình này, đóng góp ý kiến, góp phần phát huy tiếng nói của các nước đang phát triển cho nội dung đàm phán văn kiện.
Đánh giá về các nội dung được thảo luận tại khóa họp lần thứ 77, Đại sứ Mai Phan Dũng – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, khẳng định rằng Đảng và chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chăm sóc sức khỏe người dân, và công tác phòng chống dịch của Việt Nam thời gian qua đã được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đại sứ Mai Phan Dũng cho biết thêm, về các văn kiện liên quan đến Điều lệ Y tế quốc tế, Việt Nam rất chủ động thực hiện và chia sẻ trách nhiệm trong những lần phòng chống đại dịch. Việt Nam cũng rất ủng hộ và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có thể có những văn kiện như thỏa thuận ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Theo Đại sức Mai Phan Dũng, một tuyên bố chính trị mạnh mẽ như vậy giúp cho cộng đồng quốc tế có thể ngăn ngừa đại dịch trong tương lai. Từ kinh nghiệm phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua, văn kiện nêu trên sẽ là cơ hội lớn cho các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thể tiếp cận dịch vụ y tế, thiết bị y tế, vaccine, sinh phẩm…. qua đó giúp tạo bước đột phá lớn trong phòng chống hiệu quả hơn các đại dịch trong tương lai, và cứu giúp nhiều người hơn, hướng đến một thế giới mạnh khỏe và bình đẳng.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024
Không khí lạnh gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Bộ
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia