Vận dụng cơ chế, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

13/05/2024 13:16

Với nhu cầu cao về nhà ở xã hội, Đông Nam Bộ thời gian qua gặp nhiều vướng mắc khó khăn về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội về thủ tục đầu tư, việc xét duyệt đối tượng mua, một số chủ đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Trước thực trạng đó, các đơn vị tham gia phát triển nhà ở xã hội mong muốn cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa bằng chính sách đất đai, vốn vay… để được hưởng những cơ chế ưu tiên khi đầu tư.

Chú thích ảnh
Chung cư cho người có thu nhập thấp bên kên Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
 

Còn nhiều khó khăn

Đồng Nai là nơi quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cao nhất cả nước. Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” tại Đồng Nai còn những tồn tại nhất định. Theo đó, nhiều địa phương trong tỉnh chưa quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội, chưa có dự án khởi công từ năm 2021 đến nay. Việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng được mong muốn của chủ đầu tư lẫn người dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết: Năm 2024, Đồng Nai dự kiến khởi công xây dựng 5 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư, với quy mô khoảng 9.000 căn nhà ở xã hội. Năm 2025, tỉnh sẽ có hai dự án nhà ở xã hội sẽ hoàn thiện với 979 căn ở huyện Trảng Bom và thành phố Long Khánh. Sau đó, tiếp tục khởi công xây dựng 7 dự án với quy mô 11.700 căn nhà ở xã hội.

Thực tế, tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai một số dự án nhà ở xã hội mới. Hiện nay, có 5 địa phương chưa trình hồ sơ chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, 2 dự án đã có quyết định duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư, tuy nhiên ngày 27/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; trong đó, có những điểm mới yêu cầu tên gọi mới là hồ sơ mời quan tâm, hiện tại chưa có hướng dẫn và biểu mẫu loại hồ sơ này. Ngoài ra, thủ tục điều chỉnh chủ trương đối với các dự án nhà ở thương mại nay chủ đầu tư muốn tự làm nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% còn chậm.

Nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương đi đầu cả nước trong phát triển và xây dựng thành công nhiều dự án nhà ở hội. Theo UBND tỉnh Bình Dương, từ nay đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng khoảng 170.000 căn nhà ở xã hội, gấp đôi chỉ tiêu được Chính phủ giao, đáp ứng nhu cầu 680.000 người. Bình Dương sẽ dành quỹ đất 612 ha để triển khai, diện tích sàn xây dựng ước đạt hơn 10 triệu m2; tổng vốn đầu tư gần 93.000 tỷ đồng.

Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển nhà ở xã hội; trong đó, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp. Tỉnh cũng huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điển hình là Becamex IDC, một doanh nghiệp Nhà nước, được tỉnh giao trọng trách xây dựng nhà ở xã hội. Với những lợi thế sẵn có về nguồn vốn, quỹ đất và hạ tầng đã góp phần mang đến những dự án nhà ở xã hội đồng bộ, phù hợp và giá thành thấp cho người lao động.

Tuy vậy, theo chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội, dù đạt những thành công về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, song đến nay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân. Nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với xây dựng các dự án nhà ở xã hội bởi các yếu tố thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài và chủ đầu tư còn bị khống chế lợi nhuận. Hơn nữa, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng rất khó tiếp cận, bởi các ràng buộc về điều kiện thụ hưởng như thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm.

Đẩy nhanh thủ tục pháp lý

Trước thực trạng triển khai các dự án nhà ở xã hội mới còn chậm, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị các địa phương đã có dự án tiếp tục đẩy nhanh công việc liên quan với sở, ngành để hoàn tất thủ tục mời thầu, khởi công dự án. Những địa phương còn lại chưa có hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư phải khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục trình thẩm định chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đảm bảo đúng thời gian theo quy trình rút gọn tỉnh đã ban hành về việc thẩm định hồ sơ từ các địa phương đề xuất; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để triển khai dự án nhà ở xã hội từ quỹ đất 20%.

Tại TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết: Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội tiến tới chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Thành phố cũng chỉ đạo quyết liệt để các dự án của doanh nghiệp giải quyết khó khăn, hoàn tất thủ tục để khởi công ngay trong quý II năm nay cho kịp tiến độ.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có 88 dự án nhà ở xã hội; trong đó, có 33 dự án là từ số 20% nhà ở xã hội của dự án thương mại. Còn lại là các nhóm đất công, nhóm cổ phần hóa… Sở Xây dựng cũng đang phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, đề xuất Thành phố và Chính phủ cập nhật nội dung nhà ở xã hội trong quy hoạch chung của Thành phố, phù hợp với mục tiêu xây dựng một triệu nhà ở xã hội trong cả nước (với TP Hồ Chí Minh là 69.000 căn).

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì mời các chủ đầu tư trao đổi về các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xác định danh mục dự án cụ thể và cam kết của chủ đầu tư trong việc tập trung triển khai dự án đảm bảo kế hoạch, báo cáo tham mưu UBND Thành phố xem xét việc cập nhật, bổ sung dự án vào Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng quy định.

Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh về rà soát quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với danh mục 88 dự án nhà ở xã hội để tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh nội dung quy hoạch tổng thể và toàn diện về nhà ở xã hội xác định những vị trí cụ thể theo từng khu vực phát triển đô thị để cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố làm cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Kiến nghị với Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, Luật Nhà ở sửa đổi đã cho phép chủ đầu tư bố trí 20% diện tích đất hoặc sàn xây dựng để làm nhà ở thương mại. Song, quy định này phải chờ đến ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực. Đồng thời, quy định hiện không cho phép dành phần diện tích sàn thương mại trên nhưng đối với dự án nhà ở xã hội độc lập cần thiết phải cho phép bố trí phần diện tích sàn dịch vụ, tiện ích công cộng để phục vụ cư dân như nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng tiện lợi, công trình văn hóa, thể dục thể thao.

Sở Xây dựng Đồng Nai cũng cho rằng, Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn rõ ràng về ưu đãi đối với chủ đầu tư. Chẳng hạn dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trước ngày 1/1/2025, sau ngày luật có hiệu lực, chủ đầu tư có được điều chỉnh chủ trương để bổ sung ưu đãi dành 20% diện tích để kinh doanh thương mại hay không…

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới