'Tỷ phú lúa giống' hai lần là nông dân Việt Nam xuất sắc

26/09/2024 17:43

Anh Hồ Bá Phiêu (sinh năm 1973, ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) khởi nghiệp từ nghề sản xuất lúa giống, trải qua thăng trầm, nay anh đã thành công, được coi là "nông dân tỷ phú" với mức thu nhập từ 2 - 5 tỷ đồng/năm.

Chú thích ảnh

Anh Hồ Bá Phiêu kiểm tra công đoạn tách hạt lúa giống. 

 

Anh còn tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Năm 2014 và 2024, anh được trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Khởi nghiệp từ trồng lúa giống

Giữa tháng 9, tiếp chúng tôi tại xưởng sản xuất lúa giống quy mô 3.000m2, anh Hồ Bá Phiêu chia sẻ, anh có cơ ngơi ngày hôm nay bắt đầu từ việc sản xuất lúa giống cách đây gần 20 năm. 

Năm 2006, sau khi lập gia đình, anh được cha mẹ cho 3 công ruộng (3.000m2), nhưng anh không sản xuất lúa hàng hóa mà trồng lúa giống bởi giá lúa giống gấp đôi giá lúa hàng hóa.

May mắn, vào năm 2007, anh được Trung tâm Khuyến nông địa phương đưa tới Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tham quan và tập huấn sản xuất lúa giống. Từ đó, anh vững tay thực hành sản xuất lúa giống với giống lúa nguyên chủng được ưa chuộng nhất lúc đó là Jasmine 85 và IR504.

Được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Khuyến nông và địa phương, vụ lúa giống đầu tiên của anh thành công, cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đến mùa thứ hai, lúa giống lại bị sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp, dù vẫn có lợi nhuận nhưng không cao.

Không bỏ cuộc, anh Hồ Bá Phiêu tiếp tục tìm hiểu thêm kỹ thuật, theo dõi thời tiết, dịch bệnh, nhu cầu thị trường… trước khi xuống giống. Vụ lúa này, ngoài diện tích sẵn có, anh dồn vốn thuê thêm 2ha để trồng, nhờ có kinh nghiệm, lúa trúng mùa, trúng giá và được thị trường săn đón, mua hết. Năm 2010, khi thị trường tiêu thụ lúa giống mở rộng ra nhiều địa phương như An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long…, anh Hồ Bá Phiêu liên kết với các hộ nông dân lân cận sản xuất 30ha lúa giống lúa chính như Jasmine 85, IR 504, OM4218...

Tùy mùa vụ, nhu cầu gieo sạ của nông dân, anh Hồ Bá Phiêu sản xuất các loại lúa giống khác nhau. Các hộ liên kết sản xuất giống lúa và kỹ thuật mà anh Phiêu cung cấp, được thu mua giá cao hơn thị trường từ 500 - 700 đồng/kg. Hiện cơ sở anh sản xuất lúa giống của anh có diện tích 92ha; trong đó gồm 12ha đất của gia đình và 80ha liên kết với 50 - 100 hộ nông dân, sản xuất các giống lúa chủ lực như OM5451, OM18, Jasmine 85, Đài thơm…

Từ năm 2010, anh Phiêu chuyển đổi sấy lúa giống thủ công sang thuê máy sấy nhằm nâng cao công suất. Dần dần, tích lũy vốn, đến năm 2015, nông dân Hồ Bá Phiêu đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở xử lý, đóng bao và dịch vụ lúa giống quy mô 3.000m2, gồm 4 lò sấy (công suất 20 tấn/lò/24 giờ), 2 máy tách hạt công suất 800kg/máy/giờ..., cung ứng khoảng 2.000 - 3.000 tấn lúa giống các loại cho 50 mối khách sỉ ở một số tỉnh, thành phố và nước láng giềng Campuchia.

Cơ sở sản xuất và kinh doanh lúa giống của nông dân Hồ Bá Phiêu góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 - 40 lao động tại địa phương với mức nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng/người.

Nhận thấy thị trường lúa giống bão hòa, khó có thể mở rộng cạnh tranh, năm 2017, anh Hồ Bá Phiêu làm thêm nghề trồng mai kiểng. Hiện anh đang trồng 10.000 gốc mai vàng với vốn đầu tư hàng tỷ đồng.

Trích 10% lợi nhuận làm an sinh xã hội

Chú thích ảnh

Ngoài làm lúa giống, anh Hồ Bá Phiêu còn trồng 10.000 gốc mai vàng sắp đế với vốn đầu tư hàng tỉ đồng. 

Anh Hồ Bá Phiêu rất khiêm tốn và kiệm lời khi kể về bản thân nhưng khi nhắc đến công tác an sinh xã hội, trợ giúp người khó khăn, gương mặt người nông dân lại bừng sáng, chia sẻ đầy hào hứng.

Chứng kiến người dân các tỉnh khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, anh Hồ Bá Phiêu đã trích ngay 1 tỷ đồng, kêu gọi một số bạn gần nhà cùng mua 20 tấn gạo, 1.000 thùng mỳ gói, may 1.000 chiếc mền (màn) vận chuyển ra Lào Cai hỗ trợ đồng bào.

"Tôi không kìm lòng được trước những mất mát, đau đớn mà đồng bào mình phải gánh chịu sau thiên tai lịch sử vừa qua. Cũng là người có hoàn cảnh khó khăn, đi từ khó khăn lên nên tôi thấu hiểu...", anh Hồ Bá Phiêu chia sẻ.

Là nông dân từng trải qua giai đoạn khó khăn, anh Hồ Bá Phiêu đồng cảm với sự vất vả của những người cùng cảnh ngộ nên anh không ngần ngại trích 10% lợi nhuận từ kinh doanh ủng hộ hoạt động an sinh xã hội.

Với vai trò hội viên nông dân, anh Hồ Bá Phiêu ý thức việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nhu cầu cần thiết, giúp mọi người đều hưởng lợi, trong đó có gia đình mình. Vì vậy, bản thân anh thể hiện vai trò nòng cốt tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua việc ủng hộ, tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ khuyến học, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà "Mái ấm nông dân"… 

Nhắc đến "tỷ phú lúa giống" Hồ Bá Phiêu, ông Nguyễn Văn Dẫn, Chủ tịch Hội Nông dân quận Thốt Nốt khẳng định, anh là nông dân tiêu biểu nhiều năm của thành phố. Năm 2024 là lần thứ hai anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét công nhận là "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Không chỉ làm giàu cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ của địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, hằng năm anh đều hăng hái đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội.

Qua quá trình cống hiến, anh Hồ Bá Phiêu nhiều lần được tặng các Bằng khen, giấy khen như: Giấy chứng nhận đạt danh hiệu "Bông lúa vàng Việt Nam - Thương hiệu vàng chất lượng" năm 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng; Giấy chứng nhận đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn; Giấy chứng nhận đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn (2012 - 2016); Bằng khen Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh thời kỳ đổi mới năm 2017; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vì thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2016 - 2018)...

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới