Tuyển sinh đại học 2025: Dự kiến bỏ xét tuyển sớm
06/01/2025 11:02
Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/1, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ dự kiến sẽ bỏ xét tuyển sớm.
Thí sinh tham dự kỳ thi thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
Mục tiêu ban đầu của việc tuyển sinh sớm (như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển) là để tuyển được thí sinh vượt trội, tài năng. Nhưng việc xét tuyển sớm mà các trường đang thực hiện lại phần lớn có lợi cho các em học sinh yếu, khi học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường. Thậm chí, lâu nay việc xét tuyển sớm còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có khả năng tham gia kỳ thi riêng, không có điều kiện thi các chứng chỉ.
Theo bà Thủy, sau khi tiếp nhận ý kiến chuyên gia, thầy cô giáo, Ban soạn thảo quy chế tuyển sinh sẽ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm. Khái niệm xét tuyển sớm ở đây là sớm về mặt thời gian, xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển, như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các kỳ thi riêng… Hiện nay, hệ thống chung của Bộ đã hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ việc xét tuyển đại học ở mọi phương thức.
Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đang lấy ý kiến có quy định các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu.
Khái niệm xét tuyển sớm là chỉ các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bộ. Việc xét tuyển sớm được nhiều trường tổ chức chức, bằng các phương thức xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí. Những năm gần đây, việc xét tuyển sớm có sự canh tranh khá gay gắt ở các trường top đầu; tuy nhiên cũng có không ít trường lấy điểm đầu vào rất thấp ở các đợt này.
Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm, Bộ dự kiến bổ sung thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với nhóm ngành Sức khỏe, Sư phạm. Điều chỉnh này tạo thuận lợi, công bằng hơn cho các thí sinh tự do. Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đang lấy ý kiến, điểm sàn ở các nhóm ngành này chỉ dùng điểm học bạ.
Một điểm thay đổi kỹ thuật khác là các trường đại học phải có cách thức để quy đổi điểm tất cả các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung hoặc điểm trúng tuyển tương đương. Khi đó, không còn giới hạn tỷ lệ chỉ tiêu ở các phương thức tuyển sinh mà sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp, ở tất cả các phương thức. Bộ cũng quy định các trường khi xây dựng tổ hợp xét tuyển một ngành, chương trình phải có số lượng môn chung nhất định, đó là những môn học kỹ năng, năng lực cốt lõi của ngành đó.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sự kiện lịch sử 7/1: Biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế Campuchia - Việt Nam
Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc
Phấn đấu đến 2035, 90% học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước
Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn
An Giang phấn đấu hoàn thành thu ngân sách Nhà nước năm 2025
Thời tiết ngày 7/1: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nắng hanh trước khi mưa ẩm
Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Theo dõi chặt chẽ dịch bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc
Nổi bật tuần qua: Thực hiện quyết liệt phòng, chống lãng phí; 10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Tinh gọn bộ máy: Đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc