Tưởng nhớ, tri ân những liệt sỹ - nét đẹp ngày đầu năm mới
02/02/2022 17:31
Trong không khí rộn ràng đón năm mới Nhâm Dần 2022, nhiều người, nhiều gia đình đã dành thời gian đến thăm viếng, dâng hương, hoa lên những phần mộ liệt sỹ ở các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của những người đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu cho sự nghiệp cách mạng để quê hương, đất nước có được mùa Xuân yên bình, ấm no, hạnh phúc như ngày nay.
Giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sỹ, đây là nơi yên nghỉ của gần 60.000 liệt sỹ từ mọi miền đất nước. Trong đó có Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, mỗi nghĩa trang có trên 10.000 phần mộ liệt sỹ.
Trong tiết trời tạnh ráo, se se lạnh, ngày Mùng Một Tết Nhâm Dần 2022, anh Nguyễn Quang Huy ở thành phố Đông Hà đưa cả gia đình đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 ở Phường 4, thành phố Đông Hà. Anh Huy cho biết: Nhiều năm qua, ngày Mùng Một Tết cả gia đình đều dành thời gian thành tâm đến viếng, dâng hương, tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bên cạnh đó, anh mong muốn các con của mình nhận biết được, đất nước, quê hương có được mùa Xuân yên bình, đủ đầy như hôm nay là nhờ công lao của những liệt sỹ. Do đó, sau này các con dù đi đâu, làm gì vẫn giữ được đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Ngày cuối cùng của năm Tân Sửu 2021 và ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022 ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, những làn khói hương vẫn quyện vào nhau, tỏa hương thơm ngát trên những phần mộ liệt sỹ, cùng với tiếng chuông thỉnh liên hồi vang vọng khắp nghĩa trang này nêu cao chí khí: "Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình".
Tết đến Xuân về, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn luôn có dòng người đến thăm viếng những phần mộ. Trong không khí trang trọng, linh thiêng, nhiều người, nhiều gia đình đã thành tâm dâng hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu để Tổ quốc được thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
2022 là tròn 50 năm quân, dân ta chiến đấu suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 - 16/9/1972) ở thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu này đã đi vào sử sách của dân tộc và thế giới khi trong 81 ngày đêm, mảnh đất chỉ vẻn vẹn 6 km2 đã hứng chịu hơn 328.000 tấn bom đạn các loại của Mỹ (tương đương với sức công phá của bảy quả bom nguyên tử Mỹ đã từng thả xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945 trong Thế chiến thứ II). Để làm nên chiến công hiển hách này, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ đã không tiếc máu xương của mình.
Ngày Mùng Một Tết Nhâm Dần 2022, nhiều người đã đến Thành cổ Quảng Trị thắp nén hương thơm, dâng những đóa hoa tươi thắm tri ân các liệt sỹ chiến đấu và hy sinh tại nơi này. Tất cả những ai đến đây vào ngày đầu năm mới cũng đều tự dặn lòng mình: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng".
Chị Lê Thị Thủy, 43 tuổi ở thị xã Quảng Trị xa quê hương đã nhiều năm, Tết này mới có dịp trở về quê sum họp cùng gia đình. Chị chia sẻ: Ngày Mùng Một Tết cả gia đình đến viếng, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương; cầu mong hương hồn các liệt sỹ được yên nghỉ; đất nước, quê hương được yên bình, phát triển, người dân có cuộc sống hạnh phúc, no đủ.
Năm 2022, tỉnh Quảng Trị dự kiến tổ chức “Festival vì hòa bình” lần đầu tiên với không gian chính ở Thành cổ Quảng Trị, các nghĩa trang liệt sỹ và di tích lịch sử cách mạng, nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng; đồng thời thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình.
Tỉnh Quảng Trị có hệ thống di tích chiến tranh cách mạng phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có tầm cỡ lớn về nội dung. Do đó Quảng Trị như một bảo tàng sinh động nhất về chiến tranh cách mạng của Việt Nam với trên 500 di tích lịch sử cách mạng; trong đó có 4 Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Những di tích lịch sử này đã tạo ra thương hiệu du lịch của Quảng Trị là "Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình", với các tour du lịch vùng phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Đường 9 - Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - Sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri, Căn cứ Dốc Miếu.
Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ
Vào dịp lễ, Tết Nguyên đán các cấp chính quyền và người dân Quảng Trị đã thay mặt nhân dân cả nước cùng chung tay chăm sóc chu đáo từng phần mộ liệt sỹ, thường xuyên dâng hương, hoa, qua đó góp phần làm an lòng những thân nhân liệt sỹ.
Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong là nơi an nghỉ của 435 liệt sỹ, trong đó có nhiều liệt sỹ ở các tỉnh phía Bắc. Thời gian qua, chính quyền, các đoàn thể xã Triệu Tài đã vận động con em xa quê hương đóng góp hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp khuôn viên nghĩa trang cho khang trang, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh. Vào dịp lễ, Tết, chính quyền xã cũng tổ chức gắn 435 lá cờ Tổ quốc lên 435 phần mộ liệt sỹ. Chủ tịch UBND xã Triệu Tài Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ nhiều năm qua vào dịp lễ, Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương phối hợp với các đoàn thể tổ chức chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ. Địa phương xác định hoạt động này vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các liệt sỹ; đồng thời giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho toàn thể nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tương tự, Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng là một trong những nghĩa trang liệt sỹ cấp xã có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Tại nghĩa trang này hiện có hơn 2.000 phần mộ liệt sỹ; trong đó có 1.997 mộ liệt sỹ có tên tuổi, quê quán, còn lại 150 liệt sỹ chưa biết tên. Trong số hơn 2.000 mộ liệt sỹ được an táng tại nghĩa trang này, có 400 liệt sỹ là người Quảng Trị, số liệt sỹ còn lại có quê quán ở các tỉnh phía Bắc, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 320.
Vào dịp Tết Nguyên đán, Đoàn Thanh niên xã Hải Thượng tổ chức hoạt động thay cát trong lư hương, thay hoa và thắp hương trên các phần mộ liệt sỹ để nghĩa trang luôn sạch đẹp, giữ không gian liêng thiêng, trang trọng. Ông Hồ Xuân Thành, 66 tuổi, làm quản trang chăm sóc Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Thượng đã 40 năm chia sẻ, ông luôn cố gắng hết sức để chăm sóc nghĩa trang sao cho sạch đẹp, thường xuyên thắp hương, thay hoa trên mộ các liệt sỹ, để khi thân nhân liệt sỹ đến thăm những phần mộ được an lòng.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã dành nguồn lực và huy động nguồn lực từ xã hội hóa để cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức chỉnh trang, trồng cây xanh, vệ sinh phần mộ để đảm bảo trang nghiêm. Các địa phương cũng thường xuyên tổ chức dâng hương, hoa sưởi ấm anh linh các Anh hùng liệt sỹ an nghỉ tại các nghĩa trang trên địa bàn.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Các bài thi đánh giá năng lực điều chỉnh phù hợp với Chương trình mới
Việc xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa đã đạt được kết quả tích cực
Chủ động các phương án chăm sóc sức khỏe nhân dân dịp Tết Nguyên đán
Bệnh viện ứng dụng 4.0, năng lực chẩn đoán hình ảnh
Năm ATGT 2025: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên
Không được từ chối, xử trí chậm trễ ca bệnh cấp cứu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc mong hai nước Trung Quốc - Việt Nam cùng tiến về phía trước
Việt Nam khẳng định tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về việc thống nhất một bộ sách giáo khoa
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo chi trả cho người hưởng khi tinh gọn bộ máy