Trao truyền tình yêu, niềm tự hào tiếng Việt và văn hóa Việt tới các thế hệ kiều bào
09/09/2024 17:44
Tối 8/9, nhân dịp Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương” năm 2024 với chủ đề “Lời quê hương, lời sắt son”, tại Nhà hát lớn, Thủ đô Hà Nội.
Quảng bá giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN phát
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt gửi lời chào tới bà con kiều bào trên toàn thế giới; đồng thời gửi thăm hỏi, sự sẻ chia chân thành và sâu sắc nhất tới các gia đình, nạn nhân của cơn bão số 3 (bão Yagi).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Tiếng Việt là hồn của dân tộc"; "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp". Thực hiện lời dạy của Người, công tác giữ gìn, phát huy và lan tỏa tiếng Việt và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, chăm lo và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đặc biệt, hai năm qua, các hoạt động triển khai Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030" đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của cả hệ thống chính trị, người dân trong nước và đông đảo đồng bào ta ở nước ngoài. Các chương trình và hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và đổi mới về cách thức thực hiện đã tạo môi trường giao lưu, trau dồi tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là lớp trẻ.
Đó là những tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng; các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt dành cho hơn 800 giáo viên, tình nguyện viên từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ suốt từ năm 2013 đến nay. Đó là sự chủ động, tích cực của chính kiều bào và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong việc thành lập các Ban tiếng Việt chuyên trách; mở các trường, lớp, trung tâm dạy và học tiếng Việt; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và học tiếng Việt thường niên... Cùng với đó là những ý tưởng đầy tâm huyết, nỗ lực không ngừng nghỉ, câu chuyện đầy cảm hứng của những “Sứ giả tiếng Việt”.
"Những hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt thực sự đã trở thành những hoạt động của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Không ai khác, đồng bào ta ở nước ngoài chính là sứ giả của văn hóa và ngôn ngữ Việt. Những nỗ lực của bà con đang từng ngày bồi đắp và lan tỏa tình yêu tiếng Việt không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn tới người dân sở tại và bạn bè khắp năm châu, góp phần khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Chương trình văn nghệ chào mừng. Ảnh: TTXVN phát
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, tiếng nói và bản sắc văn hóa của dân tộc là hành trang không thể thiếu đối với mỗi cá nhân khi ra với thế giới, để hòa nhập mà không hòa tan, khẳng định vị thế của mình trong xã hội sở tại. Thật thân thương biết bao khi ở một phương trời xa nào đó, ta bất chợt được nghe tiếng nói, giai điệu, vần thơ quê hương. Đó chính là sợi dây kết nối mỗi người Việt cho dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào; là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa tinh thần, mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của những người con đất Việt.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt mong muốn, bà con kiều bào luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt cho con cháu mình - thế hệ tương lai của cộng đồng, cũng như bảo tồn, quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc tới cộng đồng và bạn bè quốc tế.
Đồng thời, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí, hội đoàn, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cá nhân, tổ chức, nhà tài trợ ở trong nước, tiếp tục ủng hộ, hưởng ứng triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt để có thêm nhiều sáng kiến, ý tưởng và hoạt động trao truyền tình yêu, niềm tự hào tiếng Việt và văn hóa Việt tới các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
"Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là “lời sắt son” của tất cả chúng ta để cùng vun đắp tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, cội nguồn, văn hóa và tinh hoa dân tộc Việt, thổi bùng lòng tự hào dân tộc, khát khao được cống hiến và chung tay, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp", Thứ trưởng Bộ ngoại giao nói.
Tôn vinh Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài
Chương trình giao lưu với các đại biểu. Ảnh: TTXVN phát
Tại Chương trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông đã trao tặng Kỷ niệm chương cho các thí sinh xuất sắc đạt danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài trong Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024”.
Các Sứ giả tiếng Việt năm nay gồm: Anh Nguyễn Thế Dương đến từ Australia; em Trần Hạnh My đến từ Nhật Bản; chị Lanny Phetnion (giảng viên, người Lào); chị Thủy Lê Scherello đến từ Đức; chị Nguyễn Thị Thu Loan đến từ Algeria.
Hát một đoạn ngắn trong bài hát "Việt Nam quê hương tôi" tại chương trình, Sứ giả tiếng Việt "nhí" 8 tuổi Trần Hạnh My khiến khán giả trong chương trình không khỏi xúc động bởi giọng hát trong trẻo và nhịp nhàng.
"Từ nhỏ, bố mẹ cháu dạy, là người Việt phải biết nói tiếng Việt. Khi về Việt Nam, cháu cũng thích nói chuyện với ông bà, anh chị em họ và người thân nên cháu chăm chỉ học tiếng Việt", Hạnh My tâm sự; đồng thời chia sẻ, ước mơ lớn nhất của My là trở thành giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Tại chương trình, chị Lanny Phetnion đã chia sẻ cảm xúc vinh dự và tự hào khi vượt qua rất nhiều thí sinh ở khắp năm châu, đã trở thành người nước ngoài đầu tiên là Sứ giả tiếng Việt.
Không chỉ dừng lại ở công việc giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Lào, chị Lanny Phetnion còn mở trung tâm dạy tiếng Việt cho người Lào và dạy tiếng Lào cho người Việt; đồng thời tự soạn sách và giáo án kèm theo video; mở các kênh trên mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook... để dạy tiếng miễn phí cho những người có nhu cầu học.
Chị Lanny Phetnion cho biết, chị cũng tích cực lan tỏa văn hóa của Việt Nam và Lào để người dân hai nước hiểu nhau hơn; qua đó, vun đắp và thắt chặt tình hữu nghị Lào - Việt như câu nói của Bác Hồ: "Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
Tiếp nối thành công của cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023”, cuộc thi năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ ngoại giao tổ chức từ tháng 4-8/2024 và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài yêu tiếng Việt và văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm những nhân tố mang sứ mệnh quan trọng là quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng, tạo động lực học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm nay, số lượng thí sinh tham gia cuộc thi tăng so với năm 2023, với 158 bài dự thi từ 14 địa bàn (trong đó một số thí sinh là người nước ngoài yêu mến tiếng Việt).
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại