Tìm lại chốn ẩn náu yên bình trong lòng Mẹ thiên nhiên

03/10/2024 17:06

Các trận mưa tầm tã kèm theo lũ quét, lũ ống, sạt lở đang gây ra nhiều thiệt hại ở khu vực miền núi phía Bắc.

Chú thích ảnh
Vết tích của trận lũ ống, lũ quét kéo dài từ đỉnh núi Voi xuống nơi hàng trăm con người Làng Nủ đang sinh sống bình yên, sáng 10/9/2024. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
 

Những vệt sạt lở màu nâu với những dòng nước rỉ ra từ đất như những dòng máu từ vết thương khó lành trên da thịt Mẹ thiên nhiên. Thật xót xa khi chốn ẩn náu yên bình từ bao đời của người dân trong phút chốc đã bị xóa sổ bởi thiên tai. 

Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi vừa được một tọa đàm giữa các chuyên gia, nhà khoa học về địa chất gọi với cái tên “Thảm hoạ Làng Nủ” lại mưa lớn trong khi những người mất tích trong trận lũ quét ngày 10/9/2024 làm 33 nóc nhà nơi đây bị vùi lấp còn chưa được tìm thấy hết. Đến ngày 27/9/2024, chính quyền địa phương xác định trận lũ quét ở thôn Làng Nủ đã khiến 58 người chết, hiện còn 9 người mất tích.

Tại Cao Bằng, Yên Bái vẫn tiếp tục có mưa to cục bộ, nước thượng nguồn đổ về các sông, suối; đi kèm với đó là nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lũ trên các sông. Hơn 80 hộ dân tại tỉnh Cao Bằng đang nằm trong phạm vi ảnh hưởng sạt lở cần di dời tới nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đã đề nghị các địa phương chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo, tối và đêm 2/10, khu vực tỉnh Yên Bái có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt tại các huyện: Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Lục Yên. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái cũng phát cảnh báo, ngày 2/10, trên các sông suối trong tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3 - 5m. Trong đợt lũ này, mực nước đinh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, ngòi Thia khả năng đạt mức báo động 1 - báo động 2, các sông suối nhỏ trên mức báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. 

Chú thích ảnh
Mưa lũ đã sạt lở cả quả đồi, tràn xuống Quốc lộ 2 tuyến đường Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh (đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang) gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân, ngày 29/9/2024. Ảnh: TTXVN phát

Hà Giang - nơi được gọi là tuyệt tác của tạo hoá với trùng điệp dãy núi đá tai mèo cũng không tránh khỏi cơn giận dữ của thiên nhiên. Vụ sạt lở đất tại thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang (Hà Giang) ngày 30/9 đã khiến 5 người thiệt mạng. 

Hàng loạt địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đều đưa ra cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực; cắm biển cảnh báo hoặc cấm lưu thông tại các điểm nguy cơ cao.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện địa chất, về mặt địa chất, phần lớn diện tích khu vực miền núi phía Bắc được cấu tạo bởi các loại đá cổ bị phong hóa mạnh. Lớp vỏ phong hóa như đất đạt độ sâu từ 15m-30m. Trong lớp vỏ này thường chứa các khoáng vật sét (nhất là monmorilonit) thay đổi đặc tính rất mạnh, đặc biệt là trương nở rất lớn khi có nước, quyết định đặc tính dễ biến dạng và tan rã của loại đất này.

Mùa hè năm 2024, miền Bắc chịu một đợt nắng nóng kéo dài (từ tháng 4 đến tháng 7), cấu trúc của đất đã bị phá hủy đáng kể. Tiếp theo, các đợt mưa dài ngày liên tiếp của tháng 8 và đầu tháng 9 do ảnh hưởng của bão số 3 khiến cấu trúc của đất vốn đã bị suy yếu gặp nước dễ dàng bão hòa và chảy nhão như bùn.

Các mái dốc ở miền núi trong điều kiện tự nhiên vốn ổn định. Nhưng khi gặp các điều kiện bất lợi kể trên, độ bền của đất suy giảm và nó sẽ sụp đổ vùi lấp tất cả mọi thứ ở dưới chân mái dốc. Khi mái dốc cao, thể tích khối đất lớn bị sụp đổ gây hậu quả rất nghiêm trọng, nếu có nhiều mái dốc cùng sụp đổ ở một địa phương thì đó là một thảm họa do tai biến sạt lở gây ra.

Ngoài ra ở các tỉnh miền núi vào mùa mưa cũng thường xảy ra lũ quét. Theo thống kê, lũ quét thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn từ 40 phút tới 1 giờ 30 phút với sức tàn phá ghê gớm. Lũ quét xảy ra khi tồn tại 2 yếu tố đồng thời: Tồn tại đất đá bở rời kém gắn kết trên đường đi của dòng chảy và xuất hiện dòng chảy với tốc độ đủ lớn để cuốn trôi những đất đá này theo. Như vậy, chỉ những lưu vực có lớp vỏ phong hóa và các thành tạo lở tích thì mới xuất hiện lũ quét.

Giải pháp trước mắt được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh đưa ra là cảnh báo sớm đơn giản cho bà con, đó là khi quan sát thấy các khe nứt xuất hiện trên đỉnh mái dốc, trong thân mái mà có nước đục chảy ra, cần di dời ngay ra khỏi mái dốc vì mái dốc sắp sụp đổ. Một cách cảnh báo sớm đơn giản hơn đối với lũ quét, đó là vào mùa mưa, quan sát mực nước suối đang bình thường tự nhiên mực nước cạn bất thường; hoặc nước suối tự nhiên trở nên đục bất thường thì đó là dấu hiệu lũ quét sắp xảy ra cần di dời ngay.

Về giải pháp lâu dài, các địa phương, nhất là ở miền núi, cần xây dựng các kịch bản rủi ro thiên tai đến cấp thôn bản, trong đó chỉ ra hướng rủi ro thiên tai đến, hướng thoát hiểm và phương án tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, cần thiết quy hoạch các vùng dân cư tránh sạt lở và lũ quét, cụ thể như: Đối với thiên tai sạt lở, nên lựa chọn xây dựng các khu dân cư cách xa ảnh hưởng của mái dốc. Nếu khu dân cư bắt buộc sống gần mái dốc thì mái dốc cần được gia cố bằng tường chắn kiên cố và lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm thiên tai sạt lở.

Bên cạnh đó, một giải pháp được truyền lại từ bao đời nay, đó là trồng rừng giữ đất, chống xói lở. Chỉ có dựa vào rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng, thế hệ tương lai mới có chỗ trú ẩn an toàn trước thiên nhiên. 

Các chuyên gia khí tượng nhận định, từ nay đến cuối năm, La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập, đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Mùa mưa bão năm nay sẽ diễn ra khốc liệt, cực đoan; có thể sẽ còn những cơn bão mạnh. Phải làm gì để sống cùng cơn giận dữ của thiên nhiên và tìm lại chốn nương náu yên bình trong lòng Mẹ thiên nhiên? Câu hỏi này được trả lời bằng hành động ngay từ bây giờ của tất cả mọi người chứ không chỉ có riêng trách nhiệm của chính quyền hay các cơ quan chức năng.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới