Tiếp lửa yêu thương, xoa dịu nỗi đau da cam

11/10/2024 11:35

Chăm sóc nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, chăm sóc nuôi dạy trẻ là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam càng khó hơn.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Hường chăm sóc trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
 

Vậy nhưng, tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) lại có hai phụ nữ không ngại khó khăn, vất vả chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng được đưa vào hoạt động từ năm 2011 và đang nuôi bán trú 10 người, phần lớn là trẻ em; ngoài ra còn có 5 trường hợp học không thường xuyên. Trung tâm có 3 cán bộ làm việc, trong đó có 2 phụ nữ trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và hướng dẫn tập phục hồi chức năng là bà Nguyễn Thị Hường và chị Trần Thị Mỹ Diệu.

Bà Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1954) ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, từng trải qua nhiều công việc như: Giao liên tại Bưu điện Quân khu 5; Trưởng phòng tại Công ty Cầu đường 2 Nghĩa Bình; thành viên Hợp tác xã Đông Thắng, xã Nghĩa Thắng hay Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Thắng. Từ năm 2011, bà chuyển đến làm việc tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam Nghĩa Thắng.

70 tuổi đời, sắp tròn 50 năm tuổi Đảng, nhiều người chọn quây quần hưởng phúc bên con cháu, nhưng đối với bà, sự nghiệp chăm sóc những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam đã trở thành một “sứ mệnh”. Chính vì vậy, những năm qua, dù phải kiêm nhiệm rất nhiều phần việc như dọn vệ sinh, nấu cơm, chăm lo giấc ngủ... cho trẻ, nhưng bà Hường không nề hà mà luôn hoàn thành tốt.

Chia sẻ về lý do đến với Trung tâm, bà Hường cho biết: Là một người mẹ, một phụ nữ tham gia công tác xã hội nên bà thấu hiểu những thiệt thòi của đứa trẻ sinh ra không được lành lặn. Do đó, khi Trung tâm được thành lập, bà đã xin nghỉ công tác Hội Phụ nữ để về đây làm việc với hy vọng có thể chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi mà các em đã và đang từng ngày phải gánh chịu.

Theo bà Hường, để chăm sóc trẻ khuyết tật do nhiễm chất độc da cam đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó bởi mỗi trẻ có những triệu chứng khác. Để chăm sóc tốt cho các cháu, ngoài việc phải đọc, tìm hiểu trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn, bà phải trao đổi với gia đình và quan sát kỹ biểu hiện, hành động của các cháu để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh nhưng không làm tổn thương các cháu, từ đó giúp các cháu từng bước hòa nhập với cộng đồng.

Bà Phạm Thị T, ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, cho hay: Con của bà là nạn nhân nhiễm chất độc da cam nên cháu sinh ra đã chậm phát triển trí não. Từ ngày có Trung tâm, gia đình bà là được xét đưa con đến đây gửi. Nhờ đó bà có thời gian đi làm, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Từ khi được đi học, con bà biết được rất nhiều điều, tự xúc ăn, tự đi ngủ và làm được một số việc nhà.

Chú thích ảnh
Chị Trần Thị Mỹ Diệu dạy cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhận biết các loại quả. 
 

Tham gia công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng 5 năm, chị Trần Thị Mỹ Diệu (sinh năm 1998) ở xã Nghĩa Thắng được xem là người tiếp lửa yêu thương các em bị nhiễm chất độc da cam tại đây.

Chị Mỹ Diệu tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng, nhưng lại “bén duyên” với công tác chăm sóc chỏ trẻ em nhiễm chất độc da cam. Chị cho hay: Khi vừa ra trường, biết Trung tâm đang tuyển nhân viện điều dưỡng, chị đã tới xin việc.

“Với chuyên ngành Điều dưỡng, trong quá trình học, tôi đã được làm quen với rất nhiều bệnh nhân. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại gắn bó với các em bị nhiễm chất độc da cam. Do đó, những ngày mới tới đây làm việc, tôi rất bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn khi giao tiếp với các em. Tuy nhiên, được sự động viên của cô Hường nên tôi đã mạnh dạn, cởi mở hơn khi tiếp xúc với các em. Từ đó, tôi thấu hiểu, cảm thông với những đau thương của các em và tình yêu với các em cũng tăng lên”, chị Diệu chia sẻ.

Công việc tại Trung tâm rất vất vả, trong khi lương hợp đồng của bà Hường, chị Diệu lại chỉ có 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đã có những lúc cả 2 người phụ nữ này đều có ý định nghỉ việc, nhưng với suy nghĩ mình mà nghỉ thì ai sẽ chăm sóc các cháu nên 2 người lại gắn bó, đồng hành với các nạn nhân chất độc da cam. Để trang trải cuộc sống, ngoài thời gian ở Trung tâm, bà Hường và chị Diệu phải tranh thủ làm thêm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống.

“Để có thể làm tốt công việc tại Trung tâm nhưng vẫn chăm sóc tốt cho chồng, con thì tôi phải thức khuya, dậy sớm, tranh thủ thời gian để làm việc nhà, việc đồng áng. Thật sự nhiều lúc rất mệt mỏi, nhưng vì biết các em nhiễm chất độc da cam và người nhà của các em đang chờ mình đến chăm sóc, nên tôi lại cố gắng để làm việc”, chị Diệu tâm sự.

Chú thích ảnh
Chị Trần Thị Mỹ Diệu hướng dẫn trẻ em bị nhiễm chất độc da cam quét dọn vệ sinh.
 

Nhận xét về bà Hường và chị Diệu, ông Lê Văn Tiền, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng cho biết: Với mức lương hợp đồng thấp như vậy thì rất khó tuyển được người vừa có chuyên môn vừa có tâm về làm việc. Vậy nên việc bà Hường và chị Diệu gắn bó với Trung tâm là điều rất đáng mừng. Bà Hường và chị Diệu đã được các cấp Hội và địa phương khen thưởng vì đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục vận động, kêu gọi xã hội ủng hộ để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng cho nhiều nạn nhân nhiễm chất độc da cam hơn nữa; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét nâng cao thu nhập cho nhân viên Trung tâm.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới