Thực hiện hiệu quả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

23/10/2021 13:04

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; công tác quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, An Giang và Trà Vinh thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
 

Thống nhất cao với các nội dung phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề xuất nhiều nội dung để Quốc hội và các bộ, ngành Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Đánh giá về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sùng A Lềnh cho biết, qua theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các dân tộc, trong đó có công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cấp tỉnh, huyện và tiến tới thành lập đến cấp xã để thống nhất chỉ đạo thực hiện.

Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị, Chương trình hành động, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế, qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số người tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tăng, góp phần quan trọng trong công tác an sinh của tỉnh.

Tại Lào Cai, công tác quản lý, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, phù hợp với xu thế như cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, mở rộng chi trả qua ATM, triển khai ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động giảm đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ giảm đóng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP, mở rộng, linh hoạt các hình thức chi trả lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp với các biện pháp phòng, chống COVID-19. Các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đã kịp thời hỗ trợ thu nhập cho số lượng lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, Lào Cai là một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như công tác truyền thông, phát triển mở rộng người dân tham gia, đặc biệt, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế, khó duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế... Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 99% xuống 84,6%.

Từ thực tiễn và một số khó khăn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề xuất Quốc hội và các bộ, ngành Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung, quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Cụ thể, đối với pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, kiến nghị sửa đổi một số quy định về đối tượng, phương thức, căn cứ đóng theo hướng mở rộng, linh hoạt để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ví dụ, bổ sung thêm lựa chọn phương thức đóng 3 tháng cho các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh nhỏ để phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị; sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Đối với pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng giảm thời gian tham gia để hưởng lương hưu, bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, đảm bảo tính ổn định, các thay đổi có lợi cho người tham gia.

Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với các đối tượng tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ để khuyến khích người dân tham gia. Cụ thể, hỗ trợ 50% đối với lao động thuộc hộ nghèo; 40% đối với lao động hộ thuộc cận nghèo; 20% đối với các đối tượng khác.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ về bảo hiểm y tế đối với các địa bàn thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 861/QĐ-TTg, có lộ trình cắt giảm cho phù hợp.

99% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Nông lâm - Xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai, Ủy viên Ủy ban Khoa học- Công nghệ của Quốc hội cho biết, triển khai Luật Bảo hiểm y tế, đến hết năm 2020, tỉnh Lào Cai đã đạt tỷ lệ bao phủ 99% dân số tham gia bảo hiểm y tế theo mục tiêu Chính phủ giao. Đây là tiền đề để tỉnh tổ chức, triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác quản lý quỹ bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định, chi trả kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Lào Cai đã đầu tư trang bị để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế. Đến nay, 100% cơ sở y tế đã liên thông và gửi dữ liệu khám chữa bệnh lên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế phục vụ công tác theo dõi, giám sát, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế. Tỉnh đã theo dõi, chỉ đạo kịp thời công tác phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh, thực hiện dự toán chi và thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2021, thực hiện các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Lào Cai đã giảm hơn 130 nghìn người không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ nên giảm tỷ lệ bao phủ, trong khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi liên tục của người tham gia bảo hiểm y tế.

Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Lan Anh kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian được hưởng bảo hiểm y tế cho những người bị tác động bởi việc thay đổi chính sách không được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/7/2021 (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg) đến hết năm 2021 và có lộ trình hỗ trợ 50% so với số tiền phải đóng bảo hiểm y tế trong một số năm tiếp sau để giảm khó khăn cho nhân dân.

Hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở

Đánh giá về việc sử dụng nguốn vốn ODA trong đầu tư trạm y tế xã trên địa bàn, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Hà Đức Minh, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh được Bộ Y tế phân bổ tổng cộng 53,5 tỷ đồng từ Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế do EU viện trợ để xây dựng các Trạm y tế xã. Tỉnh đã giao Sở Y tế làm chủ đầu tư xây dựng 10 trạm y tế xã tại 7 huyện, thị xã: Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa.

Đến đầu năm 2020, toàn bộ các công trình đã được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Việc hoàn thành dự án góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, đặc biệt ở một số xã khó khăn vùng sâu, vùng xa như xã Cao Sơn, huyện Mường Khương; xã Minh Lương, huyện Văn Bàn; xã Mường Hum, huyện Bát Xát; đồng thời giảm tải số lượng bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên. Qua đó, có thể nói, nguồn vốn ODA từ Chương trình hỗ trợ chính sách y tế đã được sử dụng rất hiệu quả. Việc đầu tư xây dựng mới các trạm y tế xã còn là một trong những tiêu chí giúp nhiều xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2018-2020.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới