Tập trung thực hiện tốt công tác ứng phó, phòng ngừa thiên tai

07/07/2020 15:02

Những tháng cuối năm là thời điểm thiên tai xảy ra nhiều nhất, vì vậy phải theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, không để bị động trong ứng phó thiên tai.

Chú thích ảnh
Mưa dông kèm lốc xoáy kiến nhiều căn nhà của người dân xã Hội An, huyện Chợ Mới (An Giang) bị sập hoàn toàn chiều 25/6. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN
 

"Thời điểm hiện nay, ứng phó là yếu tố quyết định để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phòng ngừa là tương lai và lâu dài. Khi công tác phòng ngừa tốt, việc ứng phó sẽ bớt vất vả hơn. Vì vậy, đề nghị tập trung nhiều vào công tác ứng phó; trong đó, hoàn thiện và bổ sung các kịch bản lũ lớn ở các lưu vực sông, các kịch bản vận hành liên hồ chứa; tăng cường giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu bảo dưỡng đê...". Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và Hội nghị điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2015-2020 tổ chức ngày 6/7 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, những tháng cuối năm là thời điểm thiên tai xảy ra nhiều nhất. Vì vậy, Tổng cục Phòng chống thiên tai phải theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết, tham mưu kịp thời, không để bị động trong ứng phó thiên tai; tiếp tục rà soát, xây dựng kịch bản ứng phó ngày càng hoàn thiện hơn với những tình huống cụ thể; chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản phòng, chống thiên tai.

Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020, Tổng cục Phòng chống thiên tai tập trung nguồn lực, lập kế hoạch chi tiết để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; tổ chức bộ máy, công tác cán bộ. Tổng cục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án gồm: Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia; Nghị quyết về sạt lở bờ sông bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (đề án 1002); Chiến lược quốc gia phòng chống giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn 2050; Dự án xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; phối hợp xây dựng Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2025...

Bên cạnh đó, Tổng cục nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai bằng nhiều giải pháp thiết thực; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng  công nghệ thông tin phục vụ xử lý công việc nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; tăng cường thanh tra công vụ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy chế công vụ, đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành với những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả thực chất; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cần theo dõi, giám sát, tham mưu để công tác phòng, chống thiên tai đạt được hiệu quả, đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; vận hành xả lũ hồ chứa đảm bảo an toàn hồ đập, công trình, hạ du và chủ động phương án ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỷ cương, hiệu quả trong công tác trực ban 24/24 giờ; báo cáo tình hình thiên tai đảm bảo kịp thời, chất lượng; sẵn sàng mọi điều kiện để phục vụ các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo;  đẩy nhanh việc trang bị thiết bị chuyên dùng; tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai thực hiện kế hoạch hành động về thực hiện Chỉ thị 42.

Trước tình hình diễn biến mưa lũ cũng như thực tế các công trình phòng chống thiên tai của Việt Nam hiện nay, để đảm bảo khả năng ứng phó, Tổng cục Phòng chống thiên tai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ tổ chức cuộc họp đề ra các biện pháp ứng phó; chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp các cơ sở dữ liệu để đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ cho phù hợp, tăng cường hệ thống giám sát; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; bố trí nguồn vốn trung hạn để nâng cấp các vị trí đê điều xung yếu; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu, trang thiết bị chuyên dùng thiết yếu phục cho Ban Chỉ đạo thực thi chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại nước ta đã xảy 16 loại hình thiên tai, trong đó có 186 trận giông, lốc, mưa lớn ở hơn 43 tỉnh, thành phố; có 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; tình hình mưa đá và giông lốc đặc biệt bất thường, kéo dài và trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 1 cơn bão trên Biển Đông; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long; miền núi phía Bắc bắt đầu có mưa lũ cục bộ...

Thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.383 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã làm 1.765  ngôi nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 9.210 con gia súc, gia cầm chết...

Trong khuôn khổ hội nghị, 37 tập thể và 49 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới