Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân

11/06/2024 11:34

Mưa lớn từ ngày 8-10/6 đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Trước tình hình đó, tại Công điện số 57/CĐ-TTg, ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng núi, trung du Bắc Bộ huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn, nhất là những gia đình chính sách, hộ bị mất nhà cửa, gia đình neo đơn, hộ nghèo, khó khăn.

Chú thích ảnh
Nước sông Lô qua thành phố Hà Giang lên cao, gây ngập lụt các hộ sống ven sông. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng ngày 14 -17/6, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, trong đó khu vực trung du và vùng núi có khả năng xảy ra các đợt mưa vừa, mưa to. Các tỉnh, thành phố tại khu vực này cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Trong đó, tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang giúp nhân dân thu hoạch hoa màu bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Quốc Hoàn/TTXVN phát
 

Tại các địa phương, ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi mưa lớn đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi gia đình có người bị chết, huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi... để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh. Các địa phương chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì 24/24 giờ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Chú thích ảnh
Mưa lớn làm sạt trượt mái ta luy dương làm thiệt hại về nhà ở, tài sản và nguy hiểm đến cuộc sống của các hộ gia đình tại tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa. Ảnh: TTXVN phát
 

Tại tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình sạt lở đất tại tổ dân phố Vĩnh Hưng (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa). UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Chiêm Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và tình hình sạt lở đất; chủ động thực hiện các biện pháp sơ tán người và tài sản đến khu vực an toàn khi có diễn biến bất thường tại điểm sạt lở. Địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ; sử dụng nguồn ngân sách dự phòng khẩn trương xây dựng công trình kè bảo vệ tài sản, tính mạng của các hộ dân.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 18 giờ ngày 10/6, mưa lớn đã làm 4 người chết (Hà Giang 3 người, Lào Cai 1 người) và 1 người mất tích (Lai Châu) với nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Lũ trên sông Gâm đoạn qua huyện Bảo Lâm, Cao Bằng vượt mức báo động 3. Ảnh: Bảo Chung/TTXVN phát
 

Mưa lớn từ ngày 8-10/6 tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng đã làm 2.364 nhà bị ngập nước, thiệt hại; 2.387 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 157 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 733 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt với tổng khối lượng trên 18.086 m3 đất, đá, bê tông.

Mưa lũ đã làm sạt lở đất đá với khối lượng lớn khiến giao thông tạm thời bị chia cắt tại một số tuyến đường ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Cụ thể, tuyến đường nối từ thị trấn Mường Khương đi huyện Si Ma Cai đoạn qua thôn Lũng Pâu, xã Tung Chung Phố bị sạt lở taluy dương quốc lộ 4D tại Km197 với khối lượng khoảng 200 m3. Tuyến tỉnh lộ 154 (qua địa phận xã Lùng Khấu Nhin) bị sạt taluy dương với khối lượng khoảng 70 m3. Tuyến đường từ trung tâm xã Bản Lầu vào khu vực thôn Na Lốc bị sạt taluy dương (đoạn qua dốc Tà Lạt), chưa xác định được khối lượng. Ngoài ra, mưa kéo dài khiến taluy dương phía sau Trường Mầm non xã Lùng Khấu Nhin sạt lở, làm bùn đất trôi vào dãy nhà tập thể giáo viên, bếp ăn, sân trường, khối lượng sạt lở khoảng 500 m3...

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới