Tạo cơ hội cho người khuyết tật tìm công việc phù hợp

03/12/2024 13:11

Người khuyết tật đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hoà nhập thị trường lao động, từ rào cản về đi lại đến sự hạn chế trong tiếp cận công nghệ mới.

Nỗ lực tìm việc làm

Anh Mai Văn Hải, 25 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện đang thuê trọ tại Long Biên, Hà Nội. Là người khuyết tật với nhiều khó khăn trong cuộc sống, Hải từng làm nghề bán hàng rong trước khi quyết định học marketing bán hàng qua livestream đầu năm nay.

Chú thích ảnh
Người khuyết tật tìm kiếm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
 

Dù đã từng tham gia phỏng vấn offline tại một công ty, nhưng do vấn đề đi lại khó khăn, Hải không được nhận. Không nản lòng, Hải quyết định học thêm các kỹ năng như chỉnh sửa video và thiết kế trên Canva. Sau 6 tháng miệt mài, Hải đã có thể sử dụng máy tính thành thạo, đặc biệt thiên về các công việc chỉnh sửa và thiết kế.

Dẫu vậy, một trở ngại lớn vẫn tồn tại là Hải chưa có máy tính riêng. Điều này khiến Hải không thể làm việc tại nhà như một số công việc tuyển dụng yêu cầu. Hiện tại, để đến nơi làm việc Hải phải đi taxi. Dù biết chi phí di chuyển cao, nhưng Hải vẫn mong muốn được làm tại một công ty để tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Hải chia sẻ: "Tôi hy vọng tìm được một công ty sẵn sàng đón nhận người khuyết tật để tôi có cơ hội rèn luyện kỹ năng, phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp bền vững".

Trong khi đó, anh Vương Văn Thứ (35 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) kỳ vọng sẽ tìm được việc làm như mong muốn, nhưng sau khi đi một lượt các gian hàng tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm lồng ghép cho người khuyết tật mới biết, tìm kiếm công việc phù hợp không hề đơn giản.

“Tôi bị khuyết tật vận động do tai nạn từ năm 2001, nên sau khi học hết cấp 3, tôi đăng ký học tin học văn phòng. Tuy nhiên, do bị liệt tay phải, việc đi làm với tôi khá khó khăn. Sau nhiều lần tìm kiếm công việc, tôi chỉ xin được làm cộng tác viên online với mức lương dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Không có việc làm ổn định, tôi cảm thấy mình luôn là gánh nặng cho gia đình, xã hội”, anh Thứ giãi bày.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Nam (Thanh Trì, Hà Nội) bị khuyết tật chân, chỉ mong muốn có được công việc ổn định. “Thế nhưng, với những lao động như chúng tôi, quá trình đi tìm việc như hành trình tìm kiếm sự may rủi”, anh Nam chia sẻ sau rất nhiều lần tìm được việc làm, nhưng mỗi công việc cũng chỉ kéo dài 6 tháng đến 1 năm.

Thực tế, đề cập về những rào cản trong việc tiếp cận việc làm với lao động là người khuyết tật, đại diện Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là do suy nghĩ, quan điểm của người sử dụng lao động và học vấn của người khuyết tật còn thấp. Do đó, cần có sự thay đổi, nhất là chính sách hỗ trợ thúc đẩy nguồn lực lao động là người khuyết tật; đồng thời, thay đổi về nhận thức, tư duy của doanh nghiệp và có chính sách bảo đảm tỷ lệ người khuyết tật có việc làm nhiều hơn trong thời gian tới.

Sự đồng hành từ các doanh nghiệp

Để tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức một số phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lồng ghép thu hút các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tham gia. Một trong số đó là Công ty Thương mại S.COOL, đang cần tuyển từ 20 - 30 nhân sự cho workshop trải nghiệm làm terrarium - những hệ sinh thái mô phỏng môi trường tự nhiên trong bể kín.

Ông Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc Công ty cho biết, qua quá trình hợp tác với người lao động khuyết tật, anh nhận thấy nhiều người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực thủ công, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất các sản phẩm terrarium tinh xảo của công ty.

Ông Nguyễn Quốc Trường chia sẻ: "Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng người điếc, khiếm thính cho workshop sắp tới. Sau đó, nếu các bạn cảm thấy phù hợp và muốn gắn bó lâu dài, chúng tôi sẵn sàng đào tạo nghề và ký hợp đồng lao động".

Hiện nay, công ty của ông Nguyễn Quốc Trường đang có nhu cầu tuyển 5 - 7 người là lao động người khuyết tật với mức lương khởi điểm học nghề 4 triệu đồng. Sau học nghề, khi đã thạo công việc, lao động sẽ được trả mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và hưởng các phúc lợi xã hội khác như ăn ca, thưởng tháng thứ 13…

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Linh Chi (áo cam) chia sẻ thông tin tìm kiếm việc làm.
 

Bà Nguyễn Thị Linh Chi, nhân viên nhân sự Tiệm giặt là Sẻ chia (Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho lao động là người khuyết tật không chỉ tạo cầu nối cho người khuyết tật, mà còn là kênh giúp doanh nghiệp tuyển được nguồn nhân lực.

“Bản thân tôi cũng là người khuyết tật, nên thấu hiểu sự vất vả trong tìm kiếm việc làm. Bởi vậy, cần những phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động và doanh nghiệp. Hiện tại, công ty có hơn 20 người, trong đó có 12 người là người khuyết tật . Họ có thể làm việc đạt hiệu suất cao nếu được trao cơ hội”, bà Chi cho biết.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, vấn đề việc làm luôn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt với người khuyết tật. Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó hơn 7.000 người có khả năng lao động. Tạo việc làm cho người khuyết tật không chỉ giúp cải thiện đời sống cá nhân, mà còn đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội cho biết: “Việc trợ giúp người khuyết tật có công việc ổn định là cách thiết thực nhất để họ hòa nhập xã hội và đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội hiện có hơn 7.500 thành viên, trong đó hơn 30% số người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động và mong muốn có việc làm phù hợp”.

Phiên giao dịch việc làm không chỉ mang đến cơ hội tuyển dụng, mà còn là nơi người khuyết tật được tư vấn và định hướng nghề nghiệp. Sự kiện đã khẳng định vai trò cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội hòa nhập, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển và cống hiến.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới