Tăng lương giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm gắn bó với công việc, đổi mới, sáng tạo
02/07/2024 11:52
Hôm nay 1/7, toàn bộ người hưởng lương, phụ cấp đều được tăng lương. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng 30% lương cơ sở, lên 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng trước đây.
Người lao động làm việc theo hợp đồng được áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Tăng lương, trợ cấp
Chính phủ vừa ban hành 3 nghị định liên quan đến tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp, có hiệu lực từ ngày 1/7, gồm: Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Nghị định số 75/2024/NĐ- điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Các nghị định này đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mức điều chỉnh đối với từng đối tượng và nguồn kinh phí dành cho tăng lương ở khu vực công.
Trước đó, trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã rất cố gắng triển khai các nội dung công việc để tiến hành cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp và khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, như tạo nguồn kinh phí cho cải cách chính sách tiền lương, xây dựng các bảng lương mới, hoàn thiện vị trí việc làm...
Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì còn những vướng mắc, bất cập. Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện và phải sửa đổi rất nhiều văn bản của Đảng và của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các chính sách gắn với mức lương cơ sở.
Vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ xây dựng các bảng lương mới và các chế độ phụ cấp, còn nhiều bất cập. Thực tế, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng các mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong các bảng lương mới theo các nguyên tắc của Nghị quyết 27 dẫn đến tương quan tiền lương mới chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương; phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng và của pháp luật về các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở; phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và từ ngày 1/7/2024.
Bên cạnh đó, chưa tạo được nguồn lực bền vững cho cải cách tiền lương; việc xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm - giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương - còn nhiều hạn chế. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng; Bộ Chính trị chưa thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, dẫn đến khó khăn và chưa bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện trả lương mới theo vị trí việc làm.
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ, ngành, địa phương dù chung một lĩnh vực. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp vẫn còn nhiều vướng mắc. Nếu không xử lý đồng bộ việc này sẽ có nhiều người thiệt thòi, nhất là người công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, người hưởng lương hưu trước và sau 1/7/2024 cũng có sự khác nhau, sẽ phát sinh bất cập, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, vấn đề lớn hơn là phải sửa hơn 20 văn bản liên quan khi bỏ lương cơ sở nên Chính phủ chưa thể trình, xử lý được. Do đó, vấn đề này cần phải đánh giá rất kỹ lưỡng, cân đối nguồn lực.
Trong bối cảnh chưa thể thực hiện đồng bộ, toàn diện 6 nội dung của cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, Quốc hội thống nhất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7. Theo đánh giá của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đây là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay. Các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, phù hợp với yêu cầu của Đảng và các quy định của pháp luật có liên quan. Bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.
Một ngày sau thông báo với báo giới về việc tăng lương, nắm bắt hiệu ứng xã hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết bà từng "mất ăn, mất ngủ" về Đề án tăng lương, đây là một quyết định hết sức khó khăn.
“Cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề hệ trọng, vấn đề lớn, rất phức tạp, rất nhạy cảm, tác động tới hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực công, tác động tới trên 50 triệu đối tượng hưởng các cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở. Cho nên khi triển khai vấn đề này phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, toàn diện, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu thực hiện đến đấy chứ không thể nóng vội”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Theo bà, việc này liên quan đến đời sống của đội ngũ trong khu vực công, cũng như khu vực doanh nghiệp, các đối tượng có liên quan đến phụ cấp và trợ cấp từ lương cơ sở và nguồn ngân sách nhà nước. Nếu không thận trọng sẽ rất khó khăn.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo từ tháng 12/2023 đến nay đã có tới 21 cuộc họp, không kể thứ Bảy, Chủ nhật, không kể đêm, để họp bàn, cân nhắc rất kỹ lưỡng, thận trọng để ra được những phương án làm sao tốt nhất”, Bộ trưởng Nội vụ giãi bày.
Còn những băn khoăn
Trước quyết định tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, nhiều người bày tỏ vui mừng khi chính sách được điều chỉnh phù hợp với đời sống của người làm công, ăn lương và người hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, cũng còn có những băn khoăn lo ngại khi giá cả hàng hóa đã “đi trước một bước” và mức giảm trừ gia cảnh vẫn chưa thay đổi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, tăng lương giúp cho những người làm việc trong khu vực công bảo đảm cuộc sống, yên tâm công tác. Còn đối với người về hưu, tăng lương hưu 15% giúp cuộc sống họ bớt khó khăn. Về lâu dài, để người hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống, ngoài việc đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao, cần nghiên cứu, xem xét giải pháp như đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội để sinh lời, bù đắp cho người hưởng lương hưu thấp.
Nhìn nhận việc tăng lương cơ sở sẽ giúp đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, giảm bớt khó khăn, tương thích với tốc độ tăng của khu vực doanh nghiệp, theo Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc, việc tăng lương đồng đều giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm gắn bó với công việc và đổi mới, sáng tạo.
Ông mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện cho được cải cách toàn diện chính sách tiền lương, sớm thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm, có chế độ tiền lương, tiền công phù hợp, tương xứng với đóng góp của từng người, khuyến khích những người có năng lực, để họ yên tâm, sống được bằng lương.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tăng 30%, tăng vào quỹ tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản áp dụng từ ngày 1/7 đã đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri. Nhưng do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương, vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành nên một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tâm tư và băn khoăn.
Từ năm 2013, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến nay, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã được ban hành, yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cả về chất và lượng ngày càng cao, tạo áp lực không nhỏ lên vai các nhà giáo. Tuy nhiên, chỉ có chính sách tiền lương đối với nhà giáo đã được nêu trong Nghị quyết 29, đó là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp, sau 11 năm đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.
“Trong suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Đây không chỉ là vấn đề về tiền lương đối với các nhà giáo, mà còn thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với nghề nhà giáo được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói”, bà Ánh cho hay.
Bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024
Không khí lạnh gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Bộ
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia