Sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm, số ca nặng tăng
19/08/2024 15:31
Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cao điểm khi số ca mắc, số ca diễn biến nặng đều tăng, người dân cần chú ý các triệu chứng nặng khi mắc bệnh.
Nhiều ca diễn biến nặng
Tại Hải Phòng, một trong những “điểm nóng” sốt xuất huyết, trong tuần qua, đã ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân, với chẩn đoán sốc Dengue- viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Công tác điều tra dịch tễ, giám sát, thu thập thông tin về ca bệnh và các trường hợp liên quan đã được triển khai để tránh dịch lây lan.
Theo đại diện CDC Hải Phòng, tính từ đầu năm đến ngày 14/8, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 9.799 ca mắc sốt xuất huyết. Một số quận nội thành như: Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Kiến An, tiếp tục ghi nhận số lượng ca mắc cao.
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Hải Phòng đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật đựng nước đọng; tổ chức phun hoá chất diệt muỗi chủ động tại các phường, xã trên địa bàn; phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đến các thôn, xóm, tổ dân phố; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về sốt xuất huyết….
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất vẫn đang tăng theo tuần; đơn cử như trong tuần từ ngày 2 - 9/8, toàn thành phố ghi nhận 188 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 17 ca so với tuần trước đó. Một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Phúc Thọ…
Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội cũng xuất hiện các ca sốt xuất huyết sớm và nặng hơn mọi năm. Nhiều bệnh nhân còn trẻ nhưng có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc; có trường hợp phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, suy đa tạng…
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết. CDC Hà Nội nhận định, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Đáng lo ngại, cùng với số ca mắc tăng cao, số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng cũng tăng lên. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.
Tại nhiều địa phương, dịch sốt xuất huyết cũng đang tăng mạnh. Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, xuất hiện nhiều điểm nóng, ổ dịch sốt xuất huyết. Tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế dịch cũng đang diễn biến phức tạp.
Theo đại diện Bộ Y tế, trong tuần từ 6-13/8, cả nước đã ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 52.957 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 6 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15%, số tử vong giảm 10 ca.
Cảnh giác các dấu hiệu nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Virus Dengue có 4 tuýp là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Người dân cần được phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.
“Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Người bệnh có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau; tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vec-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Người dân cần cần chú ý thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải… Việc chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng tinh dầu xua muỗi…
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL