Sẽ có khoảng 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng tới đất liền nước ta
11/05/2024 11:55
Nhận định về tình hình khí tượng thủy văn từ tháng 6 đến hết năm 2024, ngày 10/5, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Đức Cường cho biết, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão trên Biển Đông trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung từ tháng 9 - 11. Như vậy, với kịch bản La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) xuất hiện khoảng từ tháng 6 trở đi, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều cơn bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền.
Từ tháng 6/2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Khu vực Bắc Bộ, nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8. Khu vực Trung Bộ, nắng nóng có xu hướng giảm dần từ tháng 9.
Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 5-8/2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
Đề cập đến tình hình mưa lũ, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, từ tháng 7-9, mưa lớn xuất hiện ở Bắc Bộ. Từ tháng 9-11, mưa lớn xuất hiện ở Trung Bộ. Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3- 6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng khả năng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị. Đặc biệt, tại khu vực Trung Bộ, khả năng chịu tác động của hiện tượng La Nina nên có thể xuất hiện các đợt mưa tập trung nhiều trong những tháng cuối năm 2024 .
Đối với tình hình lũ, trên lưu vực sông Bắc Bộ, đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động báo động 1-báo động 2, cao hơn năm 2023 và thấp hơn trung bình nhiều năm. Các đợt lũ phổ biến xuất hiện vào thời kỳ tháng 7-9.
Đỉnh lũ ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở mức báo động 1, báo động 2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở mức báo động 2, báo động 3. Các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở mức trên báo động 2.
Mùa lũ 2024 trên sông Mê Công xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1. Đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3.
Trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 25 đợt không khí lạnh, 20 đợt nắng nóng diện rộng, tình trạng thiếu nước đã xảy ra ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 1-7/2023 phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-80%; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng, 13 đợt lũ ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy 13 loại hình thiên tai bao gồm: Mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, sạt lở, sụt lún đất... Thiên tai đã làm 12 người chết, mất tích, 21 người bị thương, 189 nhà sập đổ, 25.351 nhà hư hỏng, tốc mái…
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Người sử dụng phải bồi thường cho người lao động khi không đóng bảo hiểm thất nghiệp
Công an An Giang tiêu hủy số lượng lớn công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ
Nhật Bản muốn cùng đồng hành với Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Thời tiết ngày 27/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi cao dưới 10 độ C
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024
Không khí lạnh gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Bộ