Sẵn sàng đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình mới
01/09/2024 11:20
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn giảng dạy trong cùng một cấp học và giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Nhiều địa phương nỗ lực lấp đầy khoảng trống giáo viên để đón năm học mới. Ảnh: TTXVN
Những nguyên nhân chủ yếu
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, có 5 nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Đó là, sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc còn cao, nguồn tuyển các môn đặc thù còn thiếu, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm và số học sinh tăng trong khi công tác quy hoạch, dự báo chưa theo kịp thực tế.
Theo thống kê, còn khoảng 72.000 biên chế giáo viên được giao chưa tuyển dụng. Năm học 2023-2024, các địa phương mới tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Trong đó, cấp mầm non tuyển dụng được 5.592 giáo viên, cấp tiểu học tuyển dụng được 7.737 giáo viên, cấp THCS tuyển dụng được 4.609 giáo viên, cấp THPT tuyển dụng được 1.536 giáo viên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho rằng, đây là vấn đề chung của các địa phương từ nhiều năm nay, đặc biệt là với tỉnh vùng cao có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Điện Biên.
Hiện nay, số lượng cử tuyển tương đối hạn chế. Điện Biên chỉ có khoảng 45 sinh viên cử tuyển ngành sư phạm ngoại ngữ. Số lượng ít như vậy vì chính sách cử tuyển chưa hấp dẫn, chưa có cơ chế đặc thù cho việc tuyển dụng giáo viên hệ cử tuyển vào làm việc tại các cơ sở giáo dục.
Từ đó, ông Vừ A Bằng đề nghị Chính phủ, Bộ GĐ&ĐT, và các Bộ không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này; Giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương; Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học...
Ông Bằng cũng cho rằng, cần áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên; Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản, tiền trực trưa.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, dù địa bàn có kinh tế xã hội phát triển, nguồn tuyển không thiếu nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề nằm ở lương chưa đáp ứng được cuộc sống.
Bộ GD&ĐT cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính để các địa phương có thể tuyển dụng được giáo viên tiếng Anh, Tin học và Âm nhạc.
Từng bước tháo gỡ
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trước đó, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học mới.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
"Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh; nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên; Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn... Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn