Phát triển ngành dệt may, da giày An Giang

14/05/2024 09:05

Từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, An Giang phấn đấu phát triển ngành dệt may và da giày tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu.

Phấn đấu đưa ngành dệt may và da giày trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh sản phẩm chất lượng, ưu tiên sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; đẩy mạnh khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng chính sách xuất, nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư ngành dệt may, da giày. Đồng thời, phát triển ngành gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ), tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và giải quyết vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2035, ngành dệt may, da giày phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực trong nước và thế giới.

Giai đoạn 2021 - 2030, tập trung nâng cao năng lực sản xuất đạt 500 triệu sản phẩm; tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh đạt 4,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt 860 triệu USD. Phấn đấu thu nhập của NLĐ ngành dệt may, da giày đạt tương đương mức thu nhập của NLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung lao động trong doanh nghiệp (DN) cả nước.

“Tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành dệt may, da giày là một trong những ngành chủ lực về sản xuất, xuất khẩu của tỉnh. Năng lực sản xuất ngày càng tăng, đạt 60 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 205 triệu USD. Thúc đẩy cải thiện nội địa hóa, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu; phấn đấu thu nhập bình quân của NLĐ trong DN ngành đạt tương đương thu nhập bình quân chung của lao động trong DN cùng ngành trong cả nước.

Phấn đấu đưa An Giang nằm trong chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững. Đồng thời, chuyên môn hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành, tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.

Tỉnh khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày với điều kiện sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đẩy mạnh tìm kiếm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề, đáp ứng quá trình sản xuất hiệu quả. Tạo nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho NLĐ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giai đoạn đến năm 2030, ngành dệt may tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, xây dựng thương hiệu, giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong toàn ngành. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường khai thác thị trường trong nước ở các dòng sản phẩm trung và cao cấp. Ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết kế thời trang, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (phụ liệu) ngành may phục vụ nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2030, ngành da giày tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có, đầu tư phát triển theo nhu cầu thị trường đối với sản phẩm xuất khẩu, như: Giày thể thao, giày da, cặp, vali túi xách cao cấp các loại. Khuyến khích phát triển thương hiệu giày dép, túi, cặp của địa phương để khai thác thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Thu hút đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, trừ sản phẩm mà quá trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: Da thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da...

Giai đoạn sau năm 2030, tỉnh tập trung phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm; tập trung vào mặt hàng trung và cao cấp, giảm mạnh hàng gia công, phát triển mạnh hình thức sản xuất tự chủ nguyên liệu (FOB) và sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM), đáp ứng yêu cầu người mua, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới