Phân loại rác tại nguồn
23/10/2024 13:14
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và thu giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến ngày 31/12/2024. Có thể thấy, việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để giải quyết bài toán bảo vệ môi trường hiện nay.
Để việc phân loại rác thải tại nguồn thành công, đòi hỏi rất lớn ở ý thức của người dân
Cùng vào cuộc
Nhằm tăng cường công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 556/KH-UBND, ngày 13/9/2021 về việc tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh có lồng ghép nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Để đảm bảo điều kiện kinh tế - xã hội, công nghệ xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn chất thải rắn sinh hoạt phân loại thành 2 nhóm, gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Có thế thấy, việc phân loại rác thành 2 loại như vậy sẽ giúp cho việc thực hiện và thu gom dễ dàng, không phải đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện.
Bên cạnh đó, phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom. Việc này sẽ tạo thêm nguồn thu nhập không chỉ cho chủ nguồn thải, hộ gia đình, mà còn mang lại giá trị kinh tế cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý. Riêng nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, khuyến khích các hộ dân tận dụng làm thức ăn gia súc, gia cầm hoặc ủ phân compost. Từ đó, tạo nền tảng và cơ sở hình thành thị trường thu hồi - tái chế, tiến tới hình thành trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thí điểm thành 2 loại:
Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (còn gọi là phế liệu), gồm: Nhóm giấy: Tạp chí, giấy báo các loại, hộp giấy, bì thư, sách, tập, hộp dĩa… Nhóm nhựa và vật liệu bằng nhựa: Chai, lọ, khay đựng thức ăn, can, thùng, nắp chai nhựa và các vật liệu làm bằng nhựa… Nhóm kim loại: Sắt, nhôm, thép, đồng, vỏ bao bì kim loại (lon đồ uống, lon đồ hộp)… Nhóm cao su: Vỏ xe, dép, xăm lốp… Nhóm ny-lon: túi nhựa mỏng các loại. Nhóm thủy tinh: Vỏ chai bia, nước ngọt, chai đựng thực phẩm, kính, kiếng vỡ…
Chất thải còn lại (chất để chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý), gồm: những rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế. Với những loại rác này chỉ có cách chôn lấp hoặc đốt thu hồi nhiệt và các chất thải chứa hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ sinh vật, có khả năng/dễ dàng phân hủy sinh học trong điều kiện tự nhiên: Đất, cát, bụi từ quét, vệ sinh nhà cửa, đất trồng cây, các vật liệu làm bằng tre, vỏ dừa, vỏ sầu riêng, bao bì đựng các loại thực phẩm, các loại rác thải, rau quả hư hỏng, cơm thừa, vỏ trứng, xác động vật, hộp xốp, quần áo, giày dép, vải sợi các loại…
Xử lý vi phạm
Để việc phân loại rác tại nguồn được thực thi nghiêm, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc xử phạt này sẽ bắt đầu vào ngày 1/1/2025. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối…
Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng… Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chị Kim Anh (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người, nên lượng rác thải không nhiều. Lâu nay, chúng tôi không phân loại rác, tất cả đều để chung một túi ny-lon và bỏ vào thùng, chờ xe rác đến lấy. Tôi từng nghe nói đến việc phân loại rác tại nhà, nhưng chưa thực hiện. Thời gian gần đây thấy báo chí và địa phương tuyên truyền, tôi sẽ vận động mọi người trong nhà cùng thực hiện”.
Nỗ lực hành động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm xử lý rác thải tại nguồn, để hoạt động này trở thành thói quen, nếp nghĩ không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật và được lan tỏa ngày càng rộng hơn, bảo vệ môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh - sạch hơn.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại