Phấn đấu đến 2035, 90% học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước
07/01/2025 13:42
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035.

Mục đích của Chương trình nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh để nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ trước nguy cơ bị đuối nước; bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho các em để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước.
Phấn đấu đến năm 2035, 90% học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước
Chương trình phấn đấu đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh và đạt 100% vào năm 2035. Đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt 90% vào năm 2035.
Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn. Đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 2 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt ít nhất 3 giáo viên vào năm 2035.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học; đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học; tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, xây dựng kế hoạch, triển khai Chương trình; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết liên quan đến nhiệm vụ tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho học sinh; ban hành chương trình, tài liệu, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh; xây dựng tài liệu và hướng dẫn thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước học sinh trong trường học...
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng công cụ và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai Chương trình; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình nếu cần thiết; tổ chức sơ kết Chương trình vào năm 2030 và tổng kết vào năm 2035.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho các dự án đường bộ cao tốc
Củng cố niềm tin và tăng cường tin cậy chính trị, sức mạnh của tình đoàn kết Việt - Lào
Trên 12.000 khán giả xúc động và tự hào xem chương trình 'Hẹn ước Bắc - Nam'
Tinh thần đồng thuận lan tỏa trong thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Thời tiết ngày 23/4: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng
Bảo vệ đàn Cò Ốc quý hiếm xuất hiện tại Gia Lai
Hồi ức của nhà báo Hàn Quốc về đêm trước ngày Sài Gòn giải phóng
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn Giáo hoàng Francis qua đời
BHXH triển khai chi trả lương hưu tháng 5 cho hơn 3,3 triệu người từ 25/4
Học sinh Việt Nam giành ngôi Á quân tại Giải đấu Robot lớn nhất thế giới