Phân cấp, phân quyền trong cấp phép, chứng chỉ hành nghề lĩnh vực khám, chữa bệnh
11/11/2024 11:02
Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 11 và sáng 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế đối với Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, trong đó có nội dung việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bộ và Sở Y tế các địa phương đã cấp 66.795 giấy phép hoạt động và 637.519 giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh (chưa bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng). Trong đó, số lượng hồ sơ cấp giấy phép hoạt động tại Bộ Y tế chiếm chưa đến 1,5% tổng số giấy phép hoạt động trên toàn quốc (795 hồ sơ).
Tồn tại trong cấp phép, chứng chỉ hành nghề
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã cấp mới 28 giấy phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân (cùng kỳ năm ngoái là 16 giấy phép hoạt động, tăng 75%); cấp 57 quyết định điều chỉnh giấy phép hoạt động do thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn, thay đổi quy mô hoạt động (cùng kỳ năm ngoái là 48 quyết định, tăng 18,75%). Về cơ bản Bộ Y tế đã thực hiện kịp thời các hồ sơ còn tồn đọng, hiện số lượng hồ sơ cấp mới giấy phép hoạt động mới nộp, chưa tiến hành thẩm định tại Bộ Y tế là 5 hồ sơ.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh bổ sung quy định mới là cấp lại giấy phép hành nghề sau 5 năm cho người hành nghề cũng như tăng số lượng đào tạo các chuyên ngành y, đối tượng được cấp giấy phép hành nghề và các chính sách đồng bộ để tạo điều kiện cho sự phát triển của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Điều này dẫn tới việc tăng số lượng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề (có thêm các chức danh chuyên môn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mới được cấp giấy phép hành nghề), giấy phép hoạt động (hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức linh hoạt hơn). Sơ bộ ước tính tăng khoảng 20% số lượng hồ sơ cấp giấy phép hành nghề.
Tồn tại, hạn chế trong cấp phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh được Bộ Y tế nêu ra là công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên và sâu sát, chưa huy động được các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Chậm chuyển đổi số do vướng mắc trong vấn đề xây dựng và thẩm định giá, khó khăn trong thực hiện công tác đấu thầu, thiếu nguồn lực để triển khai nâng cấp các phần mềm dẫn đến chưa thể đáp ứng các yêu cầu kết nối, đồng bộ, liên thông dữ liệu nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Thiếu các dự án, chương trình, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của công tác quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, hầu hết các Sở Y tế đều báo cáo thiếu nhân lực cho công tác quản lý hành nghề, thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề, trong khi số lượng người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh cần phải cấp giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động là rất lớn. Đa số các cán bộ thực hiện kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác bên cạnh công tác tác quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng, giám định. Thiếu hụt nhân lực thực hiện công tác quản lý hành nghề do phải thực hiện tinh giản biên chế hằng năm, phải làm việc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ trong khi khối lượng công việc tiếp tục gia tăng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền
Đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính là những giải pháp Bộ này đề ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên. Bộ Y tế cho biết, sẽ tập trung triển khai ba giải pháp đột phá trong cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, gồm: xây dựng mới quy trình thẩm định theo hướng tinh gọn, minh bạch, tinh giản và rút ngắn thời gian thẩm định; tăng 4 lần số đoàn thẩm định và tăng gấp đôi nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động; tăng cường phối hợp giữa cơ quan cấp phép và cơ sở trong tập huấn hướng dẫn xây dựng hồ sơ thẩm định.
Để đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Y tế đã hoàn thành xây dựng văn bản và đã xin ý kiến của 63 UBND tỉnh, thành phố về việc phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; theo đó dự kiến ban hành trong tháng 12/2024.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã hoàn thành việc rà soát và đang thực hiện thủ tục trình Chính phủ xem xét việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi phân cấp, dự kiến Bộ Y tế sẽ giảm tiếp nhận khoảng 70% số lượng hồ sơ thủ tục hành chính về cấp giấy phép hành nghề và giấy phép hành nghề.
Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Y tế đang xây dựng để trình Chính phủ Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý y tế nói chung và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cấp giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề nói riêng. Đồng thời, tiến hành nâng cấp hệ thống quốc gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhằm đáp ứng công khai thông tin của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực trong công tác quản lý hành nghề.
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Bộ Y tế tiến hành xây dựng 7 quy trình nội bộ đối với nội dung cấp giấy phép hoạt động và cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để hướng dẫn cụ thể các văn bản, hồ sơ triển khai thực hiện, nhằm từng bước cụ thể hóa các tài liệu chi tiết để các doanh nghiệp được biết nội dung, yêu cầu của hồ sơ cần chuẩn bị.
Quy trình nội bộ đã đơn giản hóa so với quy trình trước đây từ 2 đến 5 bước thực hiện (tùy theo từng quy trình). Rút ngắn thời gian trung bình thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động và cấp giấy phép hành nghề trung bình từ 10% đến 20% thời gian tùy thuộc vào từng hồ sơ (tùy theo quy mô, hình thức tổ chức, hình thức, trường hợp cấp). Quy trình nội bộ cũng đã bao gồm cả các mẫu bảng kiểm giúp đẩy nhanh tiến độ thẩm định, bảo đảm thực hiện thống nhất trong quá trình xử lý hồ sơ, công khai minh bạch các nội dung, yêu cầu, điều kiện, tài liệu minh chứng.
Ngoài ra, Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nếu có sai phạm; thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra hoạt động thanh tra khám bệnh, chữa bệnh của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại