Những câu chuyện xúc động của các nhà báo - chiến sỹ Thông tấn

24/04/2025 15:15

Những ngày tưng bừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp vô cùng ý nghĩa để nhìn lại trang sử vẻ vang, đầy tự hào của Cơ quan Thông tấn quốc gia trong suốt chiều dài đồng hành cùng dân tộc, cùng tôn vinh và tri ân những cống hiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

Câu chuyện về tấm bản đồ vô giá

Chú thích ảnh
Nhà báo Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên TTXVN chia sẻ câu chuyện những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Lan/TTXVN
 

Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành thuộc lớp những nhà nhiếp ảnh gạo cội của TTXVN. Năm 1975, ông được phân công tham gia "Tổ mũi nhọn" của TTXVN theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Ông đã chụp được những bức ảnh ghi lại những thời khắc lịch sử quý giá trong Chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm.

Một trong những câu chuyện được nhiều người nhắc khi nhớ đến nhà báo Đinh Quang Thành là câu chuyện về tấm bản đồ Sài Gòn, được ông trao tặng Trung đoàn 66.

Nhà báo Đinh Quang Thành kể, sau khi quân ta phá tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, nhóm phóng viên “Tổ mũi nhọn” bàn nhau lên Đà Lạt, dự định đi từ Đà Lạt xuống Biên Hòa để đi vào Sài Gòn sớm hơn. Nhưng khi lên đến Đà Lạt, gặp cán bộ chỉ huy Quân đoàn 3 của ta, các anh chỉ huy khuyên nên quay lại đường 1, bám theo cánh quân của Quân đoàn 2 khả năng sẽ vào Sài Gòn sớm hơn.  

Trước khi từ Đà Lạt về, "Tổ mũi nhọn" có ghé qua Nha bản đồ của quân Ngụy để chụp ảnh, lấy tư liệu. Trong lúc các đồng nghiệp đang phỏng vấn lấy tư liệu, nhà báo Đinh Quang Thành nhìn thấy mấy chồng bản đồ khổ lớn xếp gọn trong một góc. Ông lấy luôn hai bộ nhét vào ba lô, với suy nghĩ, để sau này vào Sài Gòn, có bản đồ để tìm địa chỉ tác nghiệp mà không lo lạc đường.

Khi nhóm phóng viên của "Tổ mũi nhọn" trở lại, Xuân Lộc đã giải phóng. Trên đường tác nghiệp, các nhà báo gặp cán bộ của Sư đoàn 304, là đơn vị kết nghĩa với TTXVN (khi ấy mang tên Việt Nam Thông tấn xã - VNTTX). Chỉ huy Sư đoàn đón nhóm phóng viên vào rừng cao su ở gần căn cứ Nước Trong, cách thành phố Biên Hòa không xa. Nhà báo Đinh Quang Thành và nhà báo Hứa Kiểm đi cùng mũi chủ công của Quân đoàn II gồm Lữ đoàn Tăng 203 và Trung đoàn 66 Anh hùng của Sư đoàn 304, còn được gọi là “Binh đoàn thọc sâu".

Trong quá trình bàn kế hoạch tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, Ban Chỉ huy “Binh đoàn thọc sâu” ngồi bàn các phương án tiến quân vào Sài Gòn. Lúc đó, trên tay các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 66 chỉ có bản đồ tác chiến, ước chừng bằng tờ giấy khổ A4 hiện nay. Bản đồ có vẽ các hướng tiến công vào Sài Gòn, nhưng trong đó không có tên đường, không có chỉ dẫn cụ thể là từ rừng cao su sẽ đi như thế nào để vào Sài Gòn...

Thấy các đồng chí chỉ huy Trung đoàn băn khoăn tìm đường, nhà báo Đinh Quang Thành nhớ đến tấm bản đồ mang từ Đà Lạt vẫn để trong ba lô. Ông nghĩ có lẽ tấm bản đồ đầy đủ tên đường phố Sài Gòn này có thể giúp các anh tìm đường vào Sài Gòn dễ dàng. Vậy là, ông đã tặng một tấm bản đồ cho chỉ huy Trung đoàn 66.

Tấm bản đồ được trao tặng đúng lúc anh em đang cần nhất, chỉ huy Trung đoàn mừng lắm, trải ngay bản đồ to gần bằng cái chiếu ra giữa rừng cao su, nghiên cứu kỹ càng từng tuyến đường vào Sài Gòn, phân công cụ thể cho từng đơn vị, tổ đội. Các tổ đội lấy sổ ghi chép chi tiết tuyến đường cần đi, nhờ nắm chắc tuyến đường, anh em chiến sỹ “Binh đoàn thọc sâu” thuận lợi tiến công vào Sài Gòn đúng sáng 30/4/1975. 

Chú thích ảnh
Ban chỉ huy Trung đoàn 66 trải bản đồ do nhà báo Đinh Quang Thành tặng ra giữa rừng cao su, nghiên cứu kỹ càng từng tuyến đường vào Sài Gòn. Ảnh: TTXVN phát
 

Nhà báo Đinh Quang Thành kể, lúc đó ông thấy bộ đội cần thì tặng, chứ không nghĩ gì nhiều, cũng không kể chuyện này với ai. Cho đến cách đây 10 năm, trong buổi giao lưu nhân dịp 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của TTXVN và Sư đoàn Vinh Quang (Sư đoàn 304), Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại: “Khi được nhận nhiệm vụ trong binh đoàn thọc sâu tiến công vào thành phố Sài Gòn thì chúng tôi rất lúng túng vì không biết nội đô thành phố như thế nào. Trong tay chỉ có bản đồ quân sự chứ không có bản đồ hành chính của thành phố. Ngày 22/4, khi Ban Chỉ huy họp bàn phương án tác chiến đánh vào nội đô thành phố Sài Gòn, thì nhà báo Đinh Quang Thành đến dự. Khi chúng tôi trải tấm bản đồ quân sự ra để đánh dấu Dinh Độc lập nằm chỗ nào, đài phát thanh nằm chỗ nào, cảng Ba Son nằm chỗ nào… thì nhà báo Đinh Quang Thành đưa bản đồ hành chính của thành phố Sài Gòn ra cho chúng tôi. Nhờ có tấm bản đồ đó mà đơn vị đã xác định từ vị trí tiến công của binh đoàn thọc sâu vào đến Dinh Độc Lập thì qua bao nhiêu ngã ba, bao nhiêu ngã tư và đến ngã tư nào rẽ trái, ngã tư nào rẽ phải…”.  

Nhờ thuận tiện tìm đường vào Sài Gòn, nên sáng 30/4, Trung đoàn 66 đã vào Dinh Độc lập sớm nhất, bắt được toàn bộ nội các Dương Văn Minh và dẫn giải ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trưa ngày 30/4.

Về sau, tấm bản đồ này được Trung đoàn chuyển lại cho Sư đoàn 304 và bây giờ được lưu giữ tại Quân đoàn 2. Bức ảnh chụp ban chỉ huy đang bàn phương án tác chiến tiến công vào Sài Gòn bằng tấm bản đồ hiện đang lưu giữ ở TTXVN và Sư đoàn 304.

Nhớ về những ngày tháng hào hùng của đất nước

Nhớ về những ngày tháng hào hùng của đất nước 50 năm trước, nhà báo Ngọc Bích, nguyên phóng viên, biên tập viên Ban tin miền Nam, Ban tin Trong nước (TTXVN) chia sẻ: “Chúng tôi - những phóng viên, biên tập viên của Ban tin miền Nam tự hào vì được sống, được chứng kiến những tháng ngày huy hoàng, chói lọi của quân dân ta chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới”.

Theo nhà báo Ngọc Bích, với chiến thắng mở màn, ngày 10/3/1975 giải phóng Buôn Mê Thuột, tiếp theo là các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Tin tức và hình ảnh quân Ngụy tháo chạy trên các tuyến đường Tây Nguyên được phóng viên mặt trận của Thông tấn xã Giải phóng, của phóng viên quân đội và báo chí nước ngoài đồng loạt đưa. Những ngày này, các phóng viên, biên tập viên không ai bảo ai, đều có mặt tại cơ quan từ 6 giờ và buổi tối ở lại muộn nhất có thể để đón tin và chờ tin.

Tin tức chiến thắng từ khắp nơi liên tục đổ về. Tin vừa phát, nửa giờ sau lại có tin tiếp bổ sung… Anh chị em Ban tin miền Nam sống trong những giờ phút ngập tràn hạnh phúc. Sáng 30/4/1975, lúc 10 giờ 30 phút, Ban nhận được tin quân ta đã tiến vào dinh Độc Lập. Sài Gòn đã được giải phóng. Một tràng pháo ròn rã nổ vang trời từ tầng năm của VNTTX tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Trong những ngày lịch sử đó, phía trước cơ quan luôn có rất đông nhân dân tới đón chờ tin tức. Pháo nổ vang, làn sóng bà con kéo đến đông nghẹt bên công viên trước cửa VNTTX hò reo vang lừng, nhiều người vừa khóc vừa hô to: "Hồ Chí Minh muôn năm, Việt Nam muôn năm"... Rồi cả biển người hát vang ca khúc Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước...

Tin tức, bài vở của phóng viên VNTTX, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) liên tục tràn về đưa tin về ngày đầu tiên Sài Gòn, thành đồng Tổ quốc, được giải phóng. Những ngày tiếp theo, loạt tin bài quân ta giải phóng các tỉnh miền Tây Nam Bộ, xuống tới mũi Cà Mau liên tục chuyển về. Rồi tin bài, ảnh về việc đón những chiến sĩ cộng sản từ nhà tù Côn Đảo trở về… Cùng đó là thông tin thành lập Ủy ban quân quản tiếp quản thành phố, tin bài về những ngày tháng đầu tiên của nhân dân các tỉnh thành phố sống trong hòa bình…

“Dù 50 năm đã qua, nhưng kỷ niệm về những ngày sống và làm việc cùng nhau tại Ban luôn trong tim chúng tôi. Chúng tôi luôn tự hào vì mình được sống, làm việc, đứng trong hàng ngũ cán bộ, phóng viên TTXVN, tự hào vì một TTXVN lớn mạnh hôm nay”, nhà báo Ngọc Bích chia sẻ.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới