Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng làm rõ hơn một số thông tin dư luận quan tâm

21/01/2022 11:20

Chiều 20/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã bình luận và nêu một số quan điểm liên quan đến thông tin báo chí, dư luận đang quan tâm.

Chú thích ảnh
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
 

Thúc đẩy các nỗ lực đoàn kết của ASEAN

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc ASEAN hoãn tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Campuchia thông báo tạm hoãn sự kiện đáng lẽ diễn ra vào ngày 18/1 tại Siem Reap do biến chủng Omicron diễn biến phức tạp và một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN không thể tham dự. Hiện nay, Campuchia đang phối hợp với các nước thành viên để tổ chức hội nghị này trong thời gian tới".

Người Phát ngôn khẳng định, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với nước Chủ tịch Campuchia và các thành viên khác để thúc đẩy tổ chức hội nghị.

Cũng tại họp báo, cho biết quan điểm của Việt Nam về tình hình Myanmar hiện nay, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Là nước láng giềng và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar, tiếp tục đóng góp xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh. Trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia và các nước thành viên ASEAN khác thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của ASEAN.

Bác bỏ thông tin không đúng sự thật

Chia sẻ quan điểm trước thông tin báo chí nước ngoài cho rằng Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển có vũ trang và thể hiện quan ngại rằng điều này có thể dẫn đến xung đột, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tuyên bố, những thông tin này là không đúng sự thật; Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Cùng với đó, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, an ninh, an toàn, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

“Chúng tôi kêu gọi các nước trong và ngoài khu vực đóng góp có trách nhiệm cho mục tiêu này”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.

Tích cực hỗ trợ lao động Việt tại Đài Loan (Trung Quốc)

Chia sẻ thông tin về tiến trình đàm phán để lao động Việt Nam có thể trở lại Đài Loan (Trung Quốc), Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Thị trường lao động Đài Loan là một thị trường quan trọng hàng đầu đối với lao động Việt Nam. Hai bên đang duy trì trao đổi để sớm đưa lao động Việt Nam trở lại thị trường này. Chúng tôi mong muốn phía Đài Loan tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận lao động Việt Nam”.

Liên quan đến các chuyến bay đưa lao động Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) về nước, Người Phát ngôn cho biết, theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1 - 19/1/2022, đã có 17 chuyến bay đưa trên 1.700 công dân Việt Nam tại Đài Loan về nước.

Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang trao đổi với các đối tác để mở các đường bay tiếp theo đến Australia, châu Âu để công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài có thể chủ động, thuận lợi hơn trong kế hoạch về nước.

Thúc đẩy di cư hợp pháp

Về vụ xét xử một người Việt đứng đầu đường dây mua bán người, dẫn đến cái chết thương tâm của 39 người Việt tại Anh, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về việc này. Quan điểm của chúng tôi là các hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị một cách thích đáng. Chính phủ Việt Nam cũng chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nước, tổ chức, trong đó có tổ chức hình sự quốc tế Interpol nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan, đảm bảo di cư hợp pháp, an toàn, vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Đối ngoại Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ 

Nhân dịp diễn ra cuộc họp báo đầu tiên của năm 2022 và cũng là dịp năm mới Nhâm Dần 2022 sắp đến, thay mặt Bộ Ngoại giao và cá nhân Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã gửi lời chúc mừng năm mới.

Chia sẻ về những thành tựu trong năm qua, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: 2021 là năm có rất nhiều khó khăn và thách thức đối với nhiều nước, nhiều quốc gia và đối với cả Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn đại dịch, thu được những kết quả tích cực.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công các sự kiện chính trị rất quan trọng đối với đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp 2021-2026 cùng nhiều hoạt động khác.

Năm 2021, đối ngoại Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước. Đặc biệt, Việt Nam đã triển khai một chiến dịch ngoại giao vaccine chưa từng có tiền lệ, xúc tiến, vận động viện trợ, mua thương mại, hợp tác sản xuất và chuyển giao sản xuất vaccine, thuốc điều trị cũng như vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Việt Nam đã kết thúc thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế thông báo về kết quả đầu tuần qua.

Cùng với các hoạt động quốc tế, các hoạt động đối ngoại trực tiếp của Việt Nam cũng được nối lại trên tất cả các bình diện song phương cũng như đa phương. Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do đã ký, tiếp tục đàm phán các hiệp định tự do khác. Điều này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 vượt mốc 600 tỷ USD.

Cùng với đó, công tác bảo hộ công dân cũng như công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai một cách kịp thời, hiệu quả. Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp, các hãng hàng không đã tổ chức 574 chuyến bay, đưa khoảng 130.000 công dân về nước, bảo hộ 18.000 công dân gặp khó khăn ở nước ngoài.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới