Ngày 17/4/1975: Ðại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh nêu rõ về nhiệm vụ đánh phá các sân bay của địch
17/04/2025 17:02
Ngày 17/4/1975, Ðại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện số 58B/DK cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh nói rõ về nhiệm vụ đánh phá các sân bay của địch.

Điện nêu rõ: “Cần kiểm tra kế hoạch đánh phá sân bay Biên Hòa, chuẩn bị nhanh để triển khai hỏa lực đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Ðối với sân bay Cần Thơ... nghiên cứu tăng cường hỏa lực... vì sân bay này ngày càng trở nên quan trọng đối với kế hoạch phòng thủ Sài Gòn cũng như kế hoạch di tản của Mỹ-ngụy".
Tại Cần Thơ, đêm 17/4, pháo binh ta từ phía Bình Minh bắn sang sân bay Trà Nóc. Cơ sở của ta trong thành phố thông báo lại kết quả để pháo binh điều chỉnh phần tử bắn chính xác hơn. Cùng thời gian này, Binh chủng Thông tin tổ chức bồi dưỡng học tập cho hàng trăm cán bộ chỉ huy, kỹ thuật về chính sách vùng mới giải phóng, những vấn đề cần biết về hệ thống thông tin địch, đồng thời biên chế các đoàn tiếp quản đưa gấp vào các chiến trường.
Ngày 17/4/1975, địch ở Tiểu khu Bình Thuận dốc hết lực lượng chống đỡ các cuộc tiến công của Trung đoàn 812, Quân khu 6. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra tại đây. Trên hướng đường số 8, đêm 17/4, Tiểu đoàn 200C phát triển tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch chiếm giữ ở điểm cao Tà Dôn, cứ điểm cuối cùng ở đông bắc Phan Thiết.
17 giờ ngày 17/4, khối đi đầu của Quân đoàn 2 do Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) dẫn đầu bắt đầu hành quân tiến công địch giải phóng thị xã Phan Thiết. Cuộc chiến đấu dọc đường tiến quân diễn ra khá quyết liệt cả trong lực lượng đi đầu và các đơn vị tiếp sau.

Ðêm 17/4, địch dùng tàu biển đổ một số đại đội biệt kích vào quận lỵ Tuy Phong (bắc Phan Thiết) bắt liên lạc với tàn binh Lữ đoàn 3 dù trên núi Gio và các lực lượng địa phương của địch để chặn đánh bộ đội ta. Sư đoàn 325 cử một bộ phận bộ binh và trinh sát đi lùng quét và bắt gọn toàn bộ quân địch.
Trong các ngày 16 và 17/4, Sở Chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom tổ chức phản kích với lực lượng Lữ đoàn 3 thiết giáp có 200 xe tăng, xe bọc thép, được pháo và máy bay chiến đấu chi viện. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 122. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95 diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi địch về Bàu Cá.
[Nguồn: Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Quyết định lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019; Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024].
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cột cờ Quốc gia Lũng Cú - Nơi non sông gửi trọn hồn thiêng dân tộc
Biệt động Sài Gòn – những chiến binh quả cảm: Đội quân 'xuất quỷ nhập thần'
Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào thi đua học tập tấm gương dũng cảm của liệt sỹ Nguyễn Đăng Khải
Ngày 21-22/4, nắng nóng có khả năng mở rộng ra toàn Bắc Bộ
TP Hồ Chí Minh: Ghi nhận một bệnh nhi viêm não do cúm gia cầm H5N1
Nỗ lực dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật
Một cán bộ công an Quảng Ninh hy sinh khi triệt phá đường dây ma túy lớn
Thêm dư địa, động lực phát triển mới cho 'đầu tàu kinh tế'
Đề xuất mô hình tổ chức phù hợp với tính chất đặc thù của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp