Ngày 12/3/1975: Củng cố vùng mới giải phóng, sẵn sàng đánh địch phản kích
12/03/2025 17:45
Sau trận Buôn Ma Thuột, cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng nắm bắt thời cơ thuận lợi, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Trong sử dụng lực lượng và phát triển tiến công phải linh hoạt, tập trung, không phân tán, khẩn trương và mạnh bạo. Hướng tiến công tiếp theo có thể là Huế, Đà Nẵng và khi có thời cơ, đánh mạnh vào Sài Gòn.
Trước mắt, Bộ Chính trị chủ trương củng cố vùng mới giải phóng sẵn sàng đánh địch phản kích; đồng thời, mở rộng tiến công ra xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk; bao vây, cô lập Pleiku, Kon Tum nhanh chóng phát triển hướng về Cheo Reo. Ở Tây Nguyên, chú trọng công tác tiếp quản và chính sách dân tộc. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với các chiến trường là kiên quyết thực hiện kế hoạch ban đầu, nhưng khẩn trương và mạnh bạo hơn.

Sau khi bị ta chiếm Buôn Ma Thuột, địch vội vã điều sư đoàn 23 quay trở lại tổ chức phản kích hòng chiếm lại. Từ chiều ngày 12/3/1975, chúng bắt đầu sử dụng máy bay phản lực đánh phá khu vực Đông Bắc thị xã để dọn bãi, chuẩn bị đổ quân tổ chức phản kích.
Ngày 12/3/1975, Bộ Tổng Tư lệnh thông báo cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch tin địch đang chuẩn bị lực lượng phản kích. Bộ Tổng Tư lệnh nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết nhất của mặt trận là tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Buôn Ma Thuột và viện binh của chúng. Việc đó “sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Chiến dịch”.
Bộ Tư lệnh đã truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Bộ đến các đơn vị, đôn đốc bộ đội truy quét tàn binh, diệt các cứ điểm còn lại của địch ở xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột, đặc biệt là khu vực hậu cứ của Sư đoàn 23 ngụy (những vị trí địch có thể sử dụng làm bàn đạp phản kích).

Ngay trong ngày 12/3, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 95B đánh chiếm khu Nhà Lao; Trung đoàn 24 cùng một đại đội xe tăng đánh chiếm hậu cứ trung đoàn 45 và trung tâm huấn luyện sư đoàn 23; Trung đoàn 174 tiến công cụm quân địch ở cầu Sê Rê Pốc; Trung đoàn 9 đánh chiếm quận lỵ Buôn Hồ, điểm cao Chư Bao, ấp Đạt Lý, là các bàn đạp phản đột kích của địch quanh thị xã, buộc địch phải đổ quân ứng cứu xuống những vị trí không có lợi, dễ bị ta tiêu diệt.
Nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột cùng bộ đội truy lùng tàn binh, đào hầm phòng không, xây dựng công sự chiến đấu. Ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk được thành lập do đồng chí đại tá Y Blốc làm chủ tịch, động viên và tổ chức nhân dân ổn định đời sống, sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu.
Trên các hướng khác của chiến trường Tây Nguyên cũng dồn dập tiến công quân địch. Ngày 12/3, Trung đoàn 19 Sư đoàn 968 đánh chiếm hai vị trí địch ở Nam Pleiku, áp sát quận lỵ Thanh Bình, uy hiếp Thanh An, tiếp tục bắn pháo vào hai chi đoàn thiết giáp, đánh bại phản kích của địch và phát triển xuống đèo Măng Giang. Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiêu diệt chín chốt địch trên đường 19 sau đó phát triển về Vườn Xoài, tiếp tục cắt đứt đường 19.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Cả nước ghi nhận trên 76.300 trường hợp nghi sởi từ đầu năm đến nay
Việt Nam hướng tới đào tạo nhân lực bán dẫn chuẩn quốc tế
Tưng bừng Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII
Thời tiết ngày 20/4: Miền Bắc và Trung Bộ nắng nóng gay gắt, Nam Bộ tiếp tục oi bức
Biệt động Sài Gòn – những chiến binh quả cảm: Ký ức không quên
Cột cờ Quốc gia Lũng Cú - Nơi non sông gửi trọn hồn thiêng dân tộc
Biệt động Sài Gòn – những chiến binh quả cảm: Đội quân 'xuất quỷ nhập thần'
Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào thi đua học tập tấm gương dũng cảm của liệt sỹ Nguyễn Đăng Khải
Ngày 21-22/4, nắng nóng có khả năng mở rộng ra toàn Bắc Bộ
TP Hồ Chí Minh: Ghi nhận một bệnh nhi viêm não do cúm gia cầm H5N1