Nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng ngừa lạm dụng thuốc kháng sinh

25/08/2024 17:30

Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đang diễn ra ngày càng phổ biến, bởi bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được kháng sinh. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em.

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh

Hiện nay, việc mua thuốc kháng sinh ở Việt Nam khá dễ dàng. Mỗi khi ho, sốt, viêm họng nhẹ… mặc dù chưa cần phải sử dụng thuốc kháng sinh nhưng chỉ cần ra các cửa hàng thuốc, mọi người đều có thể mua được mà không cần đến sự kê đơn của bác sĩ. Trong khi đó, những bệnh này, nhất là với trẻ nhỏ, có thể dùng những biện pháp vừa an toàn vừa hiệu quả như rửa mũi, súc họng bằng nước muối, sử dụng thuốc ho... mà không cần dùng kháng sinh.

Chú thích ảnh
Hiện nay, người dân rất dễ dàng mua thuốc kháng sinh tại các cửa hàng thuốc. Ảnh minh họa
 

Theo các bác sĩ, sử dụng kháng sinh như một "con dao hai lưỡi", một mặt nó giúp điều trị bệnh hiệu quả, mặt khác khi sử dụng thuốc kháng sinh, ít nhiều trên cơ thể có các vi khuẩn tiết ra các chất để kháng lại kháng sinh mà người bệnh dùng. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng kháng sinh, dù đúng bệnh hay lạm dụng thì mức độ đề kháng với kháng sinh sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều kháng sinh.

Cụ thể, đề kháng kháng sinh (AMR) có thể gây ra ngộ độc. Bởi thuốc kháng sinh hay bất cứ loại thuốc nào được đưa vào cơ thể con người đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận. Vì vậy, gan sẽ là bộ phận đầu tiên tiếp nhận và gây phản ứng. Trong khi đó, gan và thận ở trẻ em còn rất yếu, chưa hoàn thiện và còn thải trừ chậm nên nếu sử dụng thuốc thường xuyên sẽ gây tình trạng tích tụ và ngộ độc.

AMR còn gây dị ứng, tiểu đường và béo phì. Nguyên nhân là thuốc kháng sinh sẽ làm hại vi khuẩn đường ruột. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh chứa một số phẩm màu tương tác với ibuprofen và acetaminophen, là các thuốc hay dùng cho trẻ. Chỉ cần một lượng rất nhỏ phụ gia cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở trẻ mẫn cảm.

Chưa kể, phần lớn các bệnh cảm cúm đều là do virus. Nếu lạm dụng kháng sinh trong trường hợp này không những không trị bệnh mà còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn là tiêu chảy, khiến bệnh tình trầm trọng và tăng nguy cơ tử vong.

Chính vì thế, ngành y tế khuyến cáo việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sức đề kháng của mọi người, đặc biệt là trẻ em đều trở nên ngày một yếu đi. Do đó, các loại thuốc kháng sinh không những không trị được bệnh mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc, gây nguy hiểm cho người bệnh. Càng về sau, khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt với trẻ em, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ bị bệnh lại cũng không sử dụng thuốc kháng sinh thừa từ lần điều trị trước, không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình với người khác.

Theo các bác sĩ, luôn dùng kháng sinh đủ liều, ngay cả khi sức khỏe đã khá hơn. Ngoài ra, cần giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn, mà bệnh trẻ mắc có phải do nhiễm khuẩn hay không, chỉ có thể do bác sĩ khám và đưa ra kết luận. Do đó, thuốc kháng sinh phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Nâng cao ý thức AMR

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, AMR là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu, tạo ra nhiều gánh nặng cho bệnh nhân, người thân và kinh tế cùng hệ thống y tế. Đây là hệ quả của việc lạm dụng thuốc hoặc không tuân thủ chỉ định điều trị, bao gồm cả kháng sinh trong y tế, chăn nuôi, các tác nhân liên quan đến vệ sinh trong môi trường, dẫn đến sự xuất hiện của các "siêu vi khuẩn" ngày càng kháng thuốc hơn. Khi đó, thuốc dần mất hiệu quả khiến bệnh nhân cần liệu trình điều trị chuyên sâu hơn, tốn kém hơn cùng thời gian điều trị kéo dài.

Chú thích ảnh PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc bệnh viện Thống Nhất chia sẻ về hiểm họa lạm dụng thuốc kháng sinh. 
 

Theo WHO ước tính, đề kháng kháng sinh dẫn đến 5 triệu ca tử vong mỗi năm. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia được WHO xếp hạng có tỉ lệ đề kháng kháng sinh đáng báo động và cần có các giải pháp cấp bách. Vì vậy, việc hạn chế sự xuất hiện và lây lan của mầm bệnh kháng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng điều trị bệnh cho con người.

Để nâng cao nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng về gánh nặng bệnh tật của bệnh lý lây nhiễm, gia tăng đề kháng kháng sinh của vi sinh vật và vai trò của vaccine phòng ngừa, các bệnh viện đã không ngừng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển về thuốc kháng sinh, hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương và mới đây nhất là Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã hợp tác với Pfizer Việt Nam cùng hỗ trợ giải quyết các thách thức lớn của ngành y tế Việt Nam, đó là triển khai chương trình quản lý kháng sinh (AMS).

Việc hợp tác này phù hợp với Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua đó, các bệnh viện sẽ tổ chức các hội thảo khoa học về AMS, chương trình đào tạo AMS, hỗ trợ chẩn đoán sớm, giám sát AMS và nâng cao nhận thức của cán bộ y tế cùng cộng đồng về AMS… Bên cạnh đó, chương trình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của vaccine ngừa các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao như bệnh phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý gan, thận.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Việc hợp tác này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho công tác nâng cao nhận thức, hướng đến việc tuân thủ chỉ định sử dụng kháng sinh chặt chẽ hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng”.

Bởi hiện nay, bên cạnh sự thiếu ý thức của người dân khi lạm dụng kháng sinh thì ngay cả bác sĩ kê đơn cũng chưa phù hợp, vẫn có quan niệm sai lầm là nếu không còn triệu chứng là có thể dừng thuốc. Trên thực tế, vi khuẩn có thể vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể biến đổi, thích nghi và phản kháng tác động của thuốc bất cứ lúc nào.

Do đó, đối với những tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ, bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc trong khoảng 7 - 10 ngày. Ngược lại, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, việc điều trị cần được tiếp tục trong một khoảng thời gian dài để đạt được hiệu quả rõ rệt.

Với Bệnh viện Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác còn hướng đến việc hỗ trợ giải quyết các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp, nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trên toàn cầu. Phế cầu khuẩn là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng phổ biến nhất hiện nay. Việt Nam là một trong 15 quốc gia chịu gánh nặng lớn về viêm phổi do phế cầu, với tỷ lệ tử vong ở mọi lứa tuổi lên tới 50%.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh các bệnh lý lây nhiễm ngày càng trở nên phức tạp và thách thức, việc triển khai chương trình quản lý kháng sinh, phòng chống kháng kháng sinh và nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh lý lây nhiễm là rất cần thiết. Bệnh viện hy vọng, sự hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, cập nhật kiến thức về phòng ngừa, điều trị các bệnh lý lây nhiễm sẽ tạo ra những giá trị tích cực và bền vững cho cộng đồng.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới