Nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV
26/06/2024 15:14
Thông qua hình thức hợp đồng xã hội, các tổ chức xã hội có vai trò phối hợp phòng chống HIV; tuy nhiên họ vẫn còn là những tổ chức nhỏ lẻ, chưa có tư cách pháp nhân; chưa đáp ứng được về năng lực, kỹ thuật.
Tăng cơ hội cơ hội tiếp cận, truyền thông
Lúc test kết quả HIV lên 2 vạch, anh T.A.K (ở Tiền Giang) đã rất sợ hãi, lo lắng và suy sụp đến nỗi nghĩ tới chuyện tự tử. Rất may, khi đó anh đã tiếp cận được và được các nhân viên của doanh nghiệp xã hội (DNXH) Niềm tin Sông Tiền đồng hành.
“Các nhân viên tiếp cận cộng đồng ở đây đã giúp tôi trấn an tâm lý và hướng dẫn tôi tham gia điều trị HIV. Tôi đã cảm thấy thoải mái hơn, không còn nghĩ tới những chuyện tiêu cực nữa. Tôi được hướng dẫn để vào trung tâm y tế xét nghiệm khẳng định lại và được đưa vào điều trị bằng thuốc ARV ngay”, anh T.A.K khách hàng của doanh nghiệp xã hội Niềm tin sông Tiền, Tiền Giang chia sẻ.
Anh T.A.K là một trong gần 4.000 khách hàng được cung cấp dịch vụ phòng chống HIV thông qua Đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024”.
Chia sẻ về việc đồng hành cùng người bệnh HIV và những người có nguy cơ, anh Lê Tuấn Cường, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Niềm tin sông Tiền (Tiền Giang) cho biết: “Tham gia hợp đồng xã hội trong Đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024” giúp nhóm chúng tôi có cơ hội tiếp cận, truyền thông và cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đồng thời cũng có thêm ngân sách duy trì hoạt động, các thành viên trong nhóm có thêm nguồn thu nhập để tự chủ hơn trong cuộc sống”.
Anh Lê Tuấn Cường cũng tự tin, sau thời gian thực hiện, doanh nghiệp đã được phối hợp, học hỏi, tìm hiểu về các quy định; để hết các nguồn tài trợ từ các tổ chức cho hoạt động phòng chống HIV, đơn vị cũng sẵn sàng và đủ năng lực để có thể ký kết các hợp đồng với các cơ quan của nhà nước.
Anh Quàng Văn Bình, Phó trưởng nhóm Hoa ban trắng (Điện Biên) cũng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn Đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024” thành công và chính thức triển khai mở rộng ra toàn quốc. Như vậy các nhân viên tiếp cận cộng đồng như chúng tôi và các tổ chức xã hội sẽ có thể tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác phòng, chống HIV/AIDS”.
Đến nay, Đề án “Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024” đã được thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố và đã ký kết thành công 20 hợp đồng với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội. Hợp đồng xã hội (HĐXH) được đánh giá là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV thông qua mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV do các tổ chức cộng đồng cung cấp cho các đối tượng đích.
Nhận định của các ban, ngành liên quan trong thực hiện HĐXH cho thấy, việc nhân rộng mô hình HĐXH sử dụng ngân sách nhà nước là có khả năng triển khai. Về phía các tổ chức xã hội, 93% nhân viên tiếp cận cộng đồng mong muốn tiếp tục tham gia khi chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Theo các chuyên gia, các tổ chức xã hội cần tiếp tục được nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để tiếp tục triển khai hình thức HĐXH trong thời gian tới.
Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết: “Hiện tại địa phương, các tổ chức xã hội trên là những tổ chức nhỏ lẻ không có tư cách pháp nhân. Năng lực, trình độ, kỹ năng triển khai những hoạt động về cung ứng dịch vụ phòng chống HIV của các nhóm tổ chức xã hội vẫn còn nhiều hạn chế… Cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức cộng đồng xây dựng năng lực để đăng ký tư cách pháp nhân; tăng cường cơ chế trao đổi kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ sở y tế và các tổ chức xã hội cũng cần được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục để phát triển hình thức này, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống HIV”.
Ông Võ Thanh Nhơn, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ: “Các tổ chức xã hội không phải là đơn vị chuyên môn sâu về y tế nên trình độ, kiến thức, kỹ năng còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về HIV, kỹ năng tiếp cận khách hàng để dễ dàng tiếp cận, tư vấn cho khách hàng.”
Đặc biệt, vấn đề hành lang pháp lý để các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng.
ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hợp đồng xã hội, chúng tôi đã dự kiến một lộ trình thực hiện và xác định những việc Bộ Y tế sẽ phải làm và những việc nào chúng tôi sẽ vận động các Bộ ngành, cũng như Chính phủ phê duyệt”.
Cụ thể, dự kiến lịch trình sẽ là: Giai đọan 2024-2025 sẽ sửa đổi bổ sung Quyết định 1387/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng như Nghị định 32/NĐ-CP của Chính phủ; năm 2026 sẽ tập huấn hướng dẫn địa phương về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng như tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương; giai đoạn 2027-2028 sẽ hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh tổ chức đấu thầu, nâng cao năng lực đấu thầu cho CBO và có thể triển khai HĐXH ra toàn quốc.
Theo đó, mô hình hợp đồng xã hội sử dụng ngân sách địa phương được đánh giá có tính khả thi với điều kiện đảm bảo đầy đủ khung pháp lý và hướng dẫn từ trung ương để địa phương thực hiện. Đồng thời các tổ chức xã hội cũng cần đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ và tư cách pháp nhân. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội là việc làm cần thiết trong thời gian tới.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tạo nền hành chính thông thoáng, thuận tiện, vì nhân dân phục vụ
Quốc hội nghe báo cáo về phòng chống tham nhũng năm 2024
Không khí lạnh gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Bộ
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia