Loại bỏ những 'con sâu làm rầu nồi canh', làm trong sạch bộ máy

15/09/2019 07:38

Liên tiếp trong hai năm 2018 và 2019 có đến bốn cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020 bị thi hành kỷ luật.

Chú thích ảnh
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh bị cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. 

Điều đáng nói, họ đều là những người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh, giữ nhiều trọng trách trước Đảng, trước dân, lẽ ra phải tiên phong, gương mẫu, là tấm gương cho cấp dưới, cho nhân dân noi theo. Nhưng, vì “lợi ích cá nhân”, chính những cán bộ cấp cao này đã tự đánh mất mình, đánh mất niềm tin trong nhân dân, để rồi bị thi hành kỷ luật.

Sai phạm có hệ thống, vun vén lợi ích cá nhân

Năm 2018, dư luận nhân dân cả nước bất bình trước việc bà Phan Thị Mỹ Thanh, khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, vi phạm rất nghiêm trọng đến mức bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Trong số hàng loạt những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, nhiều vụ việc cho thấy rõ động cơ, mục đích nhằm trục lợi, vun vén cho lợi ích cá nhân gia đình.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh vốn trưởng thành trong gia đình có truyền thống cách mạng, được Đảng tin, dân giao phó nhiều vị trí công tác quan trọng. Trước khi làm Phó Bí thư, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bà Thanh từng làm Giám đốc Sở Công nghiệp, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, khi một người cán bộ được Đảng tin, dân cử nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, là người đứng đầu của tổ chức, đơn vị nhưng lại lo vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, thì tâm huyết, trách nhiệm với dân với nước chắc chắn sẽ phai nhạt, nhiệm vụ không thể hoàn thành, thậm chí gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cho đất nước, nhân dân.

Đơn cử, dự án khu dân cư thương mại, dịch vụ tại xã Phước Tân, huyện Long Thành (nay thuộc thành phố Biên Hòa) có diện tích 83 ha đã được điều chỉnh tăng lên 91,75 ha. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH một thành viên Song Khuê (nay là Công ty TNHH Cường Hưng). Giám đốc của công ty này lại chính là ông Đỗ Tịnh, chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt những sai phạm tại dự án nói trên: Ngày 1/8/2014, bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã ký Văn bản số 7005/UBND-ĐT với nội dung: “Hiện cả 2 dự án đang được doanh nghiệp triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và đã triển khai thi công xây dựng được 80% khối lượng”, là không đúng sự thật, không đúng với thực tế khối lượng chủ đầu tư đã thực hiện.

Đồng thời, bà Phan Thị Mỹ Thanh còn ký Văn bản số 8118/UBND-ĐT ngày 29/8/2014, ngoài việc chủ trương cho Công ty Cường Hưng được khấu trừ tiền bồi thường hỗ trợ và tái định cư vào Dự án khu dân cư như các dự án khác, còn có thêm nội dung cho phép tính chi phí xây lắp tuyến đường được gộp vào chi phí hợp lý của Dự án khu dân cư để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp là không đúng với chủ trương chung của tỉnh.

Trong thời kỳ làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh không được phân công phụ trách lĩnh vực giao thông - vận tải, nhưng đã ký ban hành Văn bản số 102/UBND-ĐT ngày 6/1/2014 về việc cho phép Công ty Cường Hưng mà chồng bà làm Giám đốc được hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa, mặt bằng vật liệu xây dựng; ký Văn bản 2918/UBND-ĐT ngày 10/4/2014 về gia hạn hoạt động bến thủy nội địa đến năm 2019, trước ngày Công ty Cường Hưng có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

Việc bà Thanh ký các văn bản trên là không đúng với chức trách, nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh phân công và nhằm tạo lợi thế kinh doanh cho Công ty Cường Hưng gây bức xúc trong dư luận.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã chỉ rõ: Với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ký Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành ở Trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đặc biệt, bà Thanh đã ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực mình phụ trách, và cả dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng, tiến độ đã thực hiện của dự án, nhằm mục đích trục lợi cho doanh nghiệp của gia đình mình.

Thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế về công tác đối ngoại, bà Thanh nhiều lần sử dụng hộ chiếu ngoại giao để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, giải quyết việc riêng; thậm chí có lần xuất cảnh ra nước ngoài không báo cáo tổ chức theo quy định…

Với những “vi phạm rất nghiêm trọng” của bà Thanh, sau khi Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, ngày 14/5/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho bà Thanh thôi làm đại biểu Quốc hội.

Bài học kinh nghiệm đắt giá

Sau khi bà Thanh thôi làm Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai thay bà Thanh. Tuy nhiên, với cương vị Trưởng Ban Nội chính, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, ông Hồ Văn Năm lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng đến mức bị thi hành kỷ luật.

Ông Hồ Văn Năm, sinh năm 1961, là cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng của tỉnh Đồng Nai và Quốc hội. Trước khi làm Trưởng Ban Nội chính, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Năm từng đảm trách các chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Mặc dù đã trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng, từng đứng đầu một cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh, là đại biểu của nhân dân trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, đáng lẽ ông Năm phải mẫu mực trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, là tấm gương sáng cho cấp dưới và nhân dân noi theo. Tuy nhiên, cũng vì lợi ích cá nhân, bị vật chất cám dỗ, mà người cán bộ vốn được Đảng tin, dân cử đã “tay nhúng chàm” đến mức phải bị thi hành kỷ luật.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ: Ông Hồ Văn Năm đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vụ việc, vi phạm Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị.

Với cương vị Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, ông Hồ Văn Năm đã ký văn bản không đúng quy định của pháp luật, có biểu hiện can thiệp vào hoạt động của cơ quan chức năng giải quyết vụ án hình sự.

Trong thời gian giữ cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, ông Năm chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai trong chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án, vụ việc không đúng quy định pháp luật.

Ban Bí thư nhận định: Vi phạm, khuyết điểm của ông Hồ Văn Năm là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của các cơ quan tiến hành tố tụng, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và cá nhân ông, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.

Ông Hồ Văn Năm đã bị Ban Bí thư cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai. Và tới đây, theo quy định, ông Năm cũng sẽ bị xem xét cho thôi làm đại biểu Quốc hội.

Đối với ông Huỳnh Tiến Mạnh, trước khi làm Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, đã từng trải qua các chức vụ: Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Phó Giám đốc Công an rồi Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Năm 2015, ông Mạnh được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ ông Huỳnh Tiến Mạnh phải chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 - 2020, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng và các quy định của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự; để nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh vi phạm kỷ luật và pháp luật; vi phạm trong công tác cán bộ.

Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Tiến Mạnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2010 - 2015, để Phòng Cảnh sát giao thông (ông Mạnh trực tiếp phụ trách) xảy ra nhiều vi phạm kéo dài, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, người tiền nhiệm ông Mạnh là Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra nhiều sai phạm đến mức bị kỷ luật cảnh cáo.

Cũng trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Đinh Quốc Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng bị thi hành kỷ luật khiển trách do có vi phạm, khuyết điểm trước thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020. Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2006 – 2011, ông Đinh Quốc Thái đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình. Tiếp đó, với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Thái đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản trái pháp luật.

Ngoài những cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, người đứng đầu các ban Đảng, cơ quan chính quyền tại địa phương, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rõ và đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ khác, trong đó có các cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị tỉnh Đồng Nai.

Hàng loạt cán bộ cấp cao của tỉnh Đồng Nai từ đầu nhiệm kỳ đến nay vì những vi phạm, thậm chí “vi phạm rất nghiêm trọng”, đã bị thi hành kỷ luật nghiêm minh. Điều này khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn "trên nóng, dưới lạnh", mà đã lan tỏa sức nóng từ Trung ương tới địa phương, cơ sở. Việc này cho thấy sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân ta và cả hệ thống chính trị, nhằm loại bỏ cho được những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm trong sạch tổ chức bộ máy. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá không chỉ với riêng tỉnh Đồng Nai, mà còn với cả công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới