Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp hiến máu tình nguyện
15/08/2024 11:34
Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta. Nhận thức được điều đó, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, từ đó có đông đảo người tham gia hiến máu nhiều lần, giúp cứu sống nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Dương tham gia hiến máu nhân đạo lần thứ 63 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vào tháng 7/2024.
63 lần tham gia hiến máu tình nguyện
Anh Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1989, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) hiện là phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị - Văn phòng đại diện tại tỉnh Hậu Giang đã tình nguyện tham gia từ năm 2007 với rất nhiều lần hiến những giọt máu để cứu người. Đến nay, anh Dương đã 63 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động gần 1.000 người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này. Hành động cao cả của anh có sức thuyết phục và lan tỏa mạnh mẽ, giúp nhiều người thấy được nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu cứu người.
"Lần đầu tiên tôi hiến máu là lúc đang học lớp 12 tại Trường Trung học Phổ thông huyện Vĩnh Thuận. Lúc đó cũng chưa có suy nghĩ gì nhiều, đi hiến máu chỉ vì sự tò mò. Tuy nhiên chính từ lần đầu tiên đó, tôi đã nhận thức được việc hiến máu cứu người quan trọng như thế nào. Từ đó, với tâm niệm "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" và cứ như thế tôi đã tham gia hiến máu nhiều năm qua từ học sinh, lên sinh viên đại học. Giờ là phóng viên, tôi vẫn tiếp tục hiến máu dù ở bất cứ nơi đâu khi cần", anh Dương tâm sự.
Đến nay, anh Dương đã có gần 17 năm tham gia phong trào hiến máu, chia sẻ những giọt máu hồng với bệnh nhân cần máu trong cấp cứu và điều trị bệnh. Anh Dương chia sẻ: "Với tôi, tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm có ý nghĩa, góp phần cứu chữa, giúp đỡ nhiều người. Sau mỗi lần hiến máu, tôi thấy vui và hạnh phúc. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục tham gia hoạt động này đến khi sức khỏe không cho phép".
Hành trình gần 17 năm hiến máu cứu người đã để lại cho anh Dương rất nhiều cảm xúc. Anh Dương cho biết, năm 2016, khi nhận được điện thoại của một người bạn đang công tác ở Đài Phát thanh truyền hình Kiên Giang nhờ hỗ trợ hiến máu cấp cứu cho người ở cùng quê bị bệnh (đang nằm điều trị trên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang), dù trước đó một ngày, anh vừa tham gia hiến máu ở huyện Vĩnh Thuận nhưng thấy tình hình cấp bách nên đã nhận lời. Khoảng 5 giờ hôm sau, anh đi xe máy đến bệnh viện thì trời bắt đầu mưa. Từ nhà anh (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang là gần 75 km. Nhờ đó, người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo.
Với những đóng góp tích cực của mình, anh Dương đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện của địa phương. Sự nhiệt tình, năng nổ, tích cực của anh đã trở thành nguồn động lực lan tỏa những giá trị nhân văn và nghĩa cử cao đẹp trong phong trào hiến máu tình nguyện nói riêng cũng như các phong trào thiện nguyện trong cộng đồng.
Thầm lặng hiến máu cứu người
Đã 43 lần tham gia hiến máu, anh Nguyễn Ngọc Đức (phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá) không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của thành phố mà còn vận động vợ và anh em trong gia đình tích cực tham gia hoạt động này. "Tôi hiểu được mỗi đơn vị máu có ý nghĩa lớn đối với người bệnh, nhất là những trường hợp cấp bách", anh Đức chia sẻ.
Không chỉ là gương mặt quen thuộc trong các đợt hiến máu, anh Đức còn là một tuyên truyền viên tích cực vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Anh Đức cho biết, Tết Nguyên đán năm 2024, khi đang ở nhà, anh nhận được cuộc điện thoại từ số lạ cầu cứu hiến máu cho người nhà đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngay sau đó, anh đã đến bệnh viện. "Khi đến nơi, tôi mới biết không phải hiến máu mà hiến tiểu cầu và rất kén người hiến. May mắn hôm đó, tôi đủ tiêu chuẩn hiến tiểu cầu giúp người bệnh", anh Đức tâm sự.
Hiểu được việc làm ý nghĩa của chồng, chị Huỳnh Thị Ngọc Diễm (vợ anh Đức) cũng tham gia hiến máu. Do đang nuôi con nhỏ nên tần suất hiến máu của chị ít hơn chồng. Đến nay, chị Diễm đã 5 lần hiến máu tình nguyện. "Lúc đầu đi hiến máu, tôi không đủ cân nên đành quay về bồi bổ thêm. Hiến máu được lần đầu tiên, tôi thấy sức khỏe bình thường nên sẵn sàng tham gia hiến máu khi cần", chị Diễm chia sẻ.
Mỗi tờ giấy chứng nhận sau khi hiến máu được vợ chồng anh Đức cất giữ cẩn thận. "Tôi muốn lưu giữ những tờ giấy này để làm kỷ niệm và cũng là sự động viên dành cho con cháu sau này về bài học nhân ái ở đời", anh Đức bộc bạch.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang Lưu Kim Oai cho biết, anh Dương, vợ chồng anh Đức không chỉ tích cực tham gia hiến máu tình nguyện mà còn là tấm gương về tuyên truyền, vận động nhiều người cùng tham gia. Những người tham gia hiến máu nhân đạo, trong đó có những cặp vợ chồng tình nguyện hiến máu là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào này. Nghĩa cử cao đẹp của họ đã được lan tỏa trong cộng đồng để mọi người xung quanh cùng hiến máu cứu người.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn bắt đầu từ việc cụ thể
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh gọn bộ máy cần tiến hành tổng thể, toàn diện, đồng bộ và khoa học
Nổi bật tuần qua: Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Văn Thể
Thời tiết ngày 25/11: Bắc Bộ trời chuyển lạnh, chiều tối có mưa
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL