Khắc phục tình trạng mua bán hóa chất tùy tiện
10/11/2024 17:11
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó cần khắc phục được bất cập lớn nhất của Luật Hóa chất hiện nay là sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quan đến hóa chất. Điều này dẫn đến tình trạng phân tán trách nhiệm và thiếu phối hợp trong việc giám sát, xử lý vi phạm.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, phải quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất. Thực hiện chiến lược phát triển hóa chất phải gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc kinh doanh hóa chất cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng mua bán hóa chất tùy tiện, sử dụng không đúng mục đích.
Một số đại biểu nêu thực tế, các quy định về xử lý và tiêu hủy hóa chất độc hại chưa được triển khai toàn diện, dẫn đến nhiều vụ xả thải hóa chất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum), hiện nay, chế tài chưa đủ mạnh, dẫn đến việc xả thải ở các công ty, doanh nghiệp nhỏ tại nhiều nơi diễn ra rất phổ biến. Trong khi đó, lực lượng chức năng chưa kịp thời phát hiện và xử lý ráo riết. "Chúng ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nên cần có chế tài xử lý nghiêm khắc để quản lý hóa chất ngoài thị trường cũng như việc sử dụng hóa chất", đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý về Điều 71 Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng, khi triển khai luật mới, UBND cấp tỉnh sẽ phải ban hành một Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, đồng thời, trên cơ sở kế hoạch, phải tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.
Đại biểu tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, đồng thời tán thành với việc phải tổ chức diễn tập, để địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động, kịp thời ứng phó sự cố hóa chất một cách an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để có thể tích hợp vào các kế hoạch ứng phó sự cố có liên quan của địa phương. Cụ thể, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22/1/2019 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019 - 2025 (gọi tắt là CBRN). Theo đó, ở cấp quốc gia, đã giao cho Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố CBRN cấp quốc gia. Ở địa phương cũng tương ứng có một kế hoạch chung cho ba lĩnh vực: hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân.
Do đó, để đảm bảo phù hợp, tránh trùng lắp, tránh lãng phí không cần thiết ở địa phương, đại biểu cho rằng, có thể cân nhắc tích hợp vào một kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cho các lĩnh vực có liên quan, có cùng lực lượng (các ban, sở, ngành) hoặc tách riêng hẳn ra thành các kế hoạch có lĩnh vực riêng biệt, không nên có sự trùng lắp cùng nội dung lĩnh vực, nhưng ở các kế hoạch khác nhau. Đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc về khoảng thời gian định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố, nên giao cho UBND cấp tỉnh, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương sẽ cụ thể hóa thời gian định kỳ hoặc đột xuất sẽ tổ chức diễn tập.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng xác định ngành hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Đại biểu cũng nhất trí với việc quản lý hệ thống hóa chất theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, thải bỏ hóa chất; quản lý chặt đối với hóa chất nguy hiểm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6), đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết đối với chính sách quy định tại khoản 3 về bố trí ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển công nghiệp hóa chất.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ xây dựng sân bay Long Thành và hệ thống đường kết nối
Tạo cơ hội cho người khuyết tật tìm công việc phù hợp
Thời tiết ngày 3/12: Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù
Lan tỏa các tác phẩm thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế hiểu và yêu Việt Nam hơn
Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%
Quỹ 'Ngày mai tươi sáng' đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thời tiết đêm 1/12: Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa dông
Thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Singapore và Nghị viện Nhật Bản
Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 12/2024