Khắc phục thừa, thiếu giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học

20/08/2024 11:26

Trước tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các đơn vị trường học trên địa bàn, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt để khắc phục tình trạng trên nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học.

Chú thích ảnh
 Cô giáo Nguyễn Thị Tân Diện dạy tiết Tin học cho học sinh ở Điểm trường Bản 2, Trường Tiểu học Thuận (xã Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa) (ảnh tư liệu).
 

Việc thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Trị diễn ra trong nhiều năm qua khiến các trường học gặp nhiều khó khăn, bất cập. Qua đó gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của học sinh cũng như gây áp lực cho giáo viên các trường. Tình trạng trên kéo dài liên tiếp trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp hợp lý, căn cơ để cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Nghệ, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Gio Linh chia sẻ: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều trường, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho địa phương còn thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt Phòng đã bố trí giáo viên dạy liên trường; đồng thời cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức các môn học. Tuy nhiên, về lâu dài, mong rằng đơn vị sẽ được bố trí đủ biên chế giáo viên; qua đó đảm bảo công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được hiệu quả…

 

Để khắc phục thực trạng trên, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị đã căn cứ số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của địa phương, tuyển dụng số biên chế giáo viên đã được giao để sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục.

Theo bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị: Sở đã tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch lãnh đạo các phòng thuộc Sở, các đơn vị trực thuộc Sở nhiệm kỳ 2021 - 2026 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trong năm học vừa qua, Sở đã tiếp nhận 3 viên chức để bố trí cho các đơn vị; tuyển dụng được 24 viên chức, thuyên chuyển 24 trường hợp, điều động luân phiên trong 1 năm học đối với 20 giáo viên từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu; điều động luân phiên 22 giáo viên đã công tác trong thời gian 1 năm học đến hạn trở về đơn vị cũ.

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố cũng tích cực sắp xếp, bố trí đội ngũ, từng bước đảm bảo cơ cấu, khắc phục dần thừa, thiếu cục bộ các môn học, cơ bản đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả trong năm học vừa qua, các đơn vị đã tuyển dụng 174 viên chức, tiếp nhận 67 viên chức, sắp xếp chuyển đi ngoại huyện 75 viên chức; thuyên chuyển trong huyện, thị xã, thành phố 151 viên chức; điều động luân phiên và bố trí dạy liên trường 147 viên chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 243 cán bộ quản lý; cho thôi việc 11 viên chức.

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND các huyện bố trí cơ bản đảm bảo giáo viên tiếng Anh, Tin học để tổ chức giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó đã khắc phục việc thiếu giáo viên Tin học ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Mặt khác, ngành Giáo dục cũng thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ quản lý để thực hiện công tác phê duyệt quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đúng quy trình, đảm bảo chất lượng cán bộ, phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý…

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Xác định giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, UBND tỉnh đã có các văn bản đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung rà soát và triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho năm học mới, tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp ngành Giáo dục rà soát, tổng hợp tình hình biên chế đội ngũ khối trực thuộc Sở và của toàn ngành hiện nay để có chiến lược, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học đảm bảo hợp lý, khoa học. Các ngành, địa phương phối hợp đồng bộ để luân chuyển giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị huy động, lồng ghép các nguồn lực, chương trình để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên các trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa; khắc phục tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng và xóa phòng học tạm… đáp ứng yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ đề năm học 2024 - 2025 “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”…

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới