Huy động vốn và tín dụng vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng

16/10/2024 13:48

Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức, lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) vẫn còn yếu… Tuy nhiên, với nỗ lực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, hoạt động huy động vốn và tín dụng vẫn giữ nhịp tăng trưởng, phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

Tăng trưởng ổn định

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh cho biết, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế của địa phương, ngay từ đầu năm 2024, NHNN chi nhánh An Giang đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục cho vay.  Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp DN tiết giảm chi phí, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD). Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, nhằm tìm giải pháp khắc phục khó khăn, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là đối với 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng cao (cho vay lúa, gạo tăng 11,68%; thủy sản tăng 7,78%).

Kết quả, 9 tháng của năm 2024, tổng số dư vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 71.060 tỷ đồng, tăng 2,46% so cuối năm 2023. Cho vay nền kinh tế đạt dư nợ tín dụng 121.147 tỷ đồng, tăng 7,66% so cuối năm 2023. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu dưới 3%. Nợ xấu đến cuối tháng 9/2024 ước khoảng 2.264 tỷ đồng, chiếm 1,87% tổng dư nợ. Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ, giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD là động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 75.218 tỷ đồng, tăng 6,66% so cuối năm 2023, chiếm 62,09% tổng dư nợ toàn địa bàn. Lượng kiều hối gửi về An Giang đến cuối tháng 9/2024 hơn 34.000 ngàn USD, tăng 11,79% so cùng kỳ 2023.

 

Hệ thống ngân hàng tiếp tục hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn

 

Đặc biệt, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 34 DN và 240 cá nhân (tăng 29 khách hàng), với lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hơn 1.621 tỷ đồng; dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 86,02 tỷ đồng (tăng 10,77 tỷ đồng). Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh An Giang Lâm Tấn Phước chia sẻ: Dù trong tình hình khó khăn chung, nhưng vốn huy động của VietinBank từ đầu năm đến nay tăng trưởng 6,8% và dư nợ cho vay đạt 6,2%, cao hơn mặt bằng chung so các ngân hàng trên địa bàn. Riêng khối khách hàng DN, VietinBank cấp hạn mức cho khách hàng gần 4.000 tỷ đồng; đến nay dư nợ hơn 2.000 tỷ đồng. Đồng hành cùng DN, đầu năm 2024 đến nay, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm từ 1,5 - 2,5%, giúp DN kinh doanh ổn định, vượt qua khó khăn, không phát sinh nhiều nợ xấu, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu thấp…

Tiếp tục hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn

Ông Trần Minh Chánh chia sẻ: Những tháng cuối năm 2024 là thời điểm các DN và người dân chuẩn bị dự trữ hàng hóa để kinh doanh dịp đón năm mới 2025, nên nhu cầu cần vốn tín dụng rất lớn. Do vậy, NHNN chi nhánh An Giang đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn sẵn sàng tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho DN và người dân. Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế; chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp hiệu quả, đảm bảo nguồn vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả lượng và chất. Phát huy tốt vai trò quản lý Nhà nước về tín dụng tiền tệ ngân hàng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên “bơm vốn” tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm ở địa phương. Tiếp tục nắm bắt kịp thời tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.

Nguồn: baoangiang.com.vn

Viết bình luận mới