Hôm nay 25/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

25/10/2024 11:10

Trong chiều 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp ngày 24/10/2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
 

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này.

Cuối phiên họp sáng, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự. Nội dung này được tiếp tục vào đầu phiên họp chiều.

Trong chiều 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật này.

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được trình bày tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành với cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ. Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được yêu cầu này. Một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến mô hình công ty hợp danh của Văn phòng công chứng đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập Văn phòng công chứng.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới