Hỗ trợ tín dụng cho người ra tù: Chính sách nhân văn, hướng đến đa mục đích

26/05/2024 09:49

Hỗ trợ tín dụng, tạo công ăn việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương là con đường gần, thiết thực nhất để những người từng vấp ngã có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm, trở thành người công dân có ích. Từ ngày 10/10/2023, Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực.

Chú thích ảnh  
Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch thị trấn Krông Năng, huyện KRông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
 

Anh Trương Đình Thái (thành phố Thanh Hóa) trước đây có những phút giây lầm lỡ vướng vào con đường phạm tội. Trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, nhận được vốn vay hỗ trợ từ Quyết định 22, anh có thêm nguồn vốn để làm cơ sở chế tác đá. Không chỉ tạo kế sinh nhai cho bản thân sau khi ra tù, cơ sở chế tác đá của anh Thái còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 - 20 người, thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/người/tháng. Với những người như anh Thái, nguồn vốn vay hỗ trợ kịp thời, ý nghĩa này là cơ hội giúp những người lầm lỡ có cơ hội tạo lập cuộc sống mới, tái hòa nhập cộng đồng.

"Sai lầm quá khứ thì đã là sai rồi, mình muốn làm người bình thường như bao con người khác... Chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là động lực để đưa những người như tôi tái hòa nhập cộng đồng. Khi địa phương thông báo chính sách đó dành cho những người lầm lỡ thì những người như tôi được thông báo đầu tiên, công tác làm hồ sơ vay rất nhanh, không vướng mắc gì, lực lượng Công an cũng hỗ trợ rất nhiệt tình", anh Trương Đình Thái chia sẻ.

Cũng là một người chấp hành xong án phạt tù trở về với cộng đồng, có thêm vốn từ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22, anh Nguyễn Duy Tình (phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa) mua thêm con giống, cải tạo chuồng trại mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi. Những mô hình sản xuất, kinh doanh nhận được nguồn vốn tín dụng hỗ trợ trong thời gian qua cho thấy các đơn vị, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa là một trong những địa phương triển khai cho vay sớm nhất, đến nay có dư nợ vay cao nhất cho người chấp hành xong án phạt tù. Hiện, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân cho 179 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền trên 16 tỷ đồng. Có được những kết quả trên, các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước.

Thượng tá Lê Như Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10), Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngay từ khi chính sách có hiệu lực, phòng PC10 đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong triển khai đến các đơn vị cấp huyện, cấp xã.

"Chúng tôi chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát ngay số đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù đủ điều kiện, từ đó lập danh sách đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho vay vốn", Thượng tá Lê Như Anh cho biết. Đến nay lực lượng Công an vẫn thống kê hàng tháng, hàng quý những đối tượng đủ điều kiện vay để thông tin đến phía Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, thủ tục cho vay rất thuận lợi. Ngân hàng Chính sách xã hội dựa trên danh sách rà soát của lực lượng Công an, từ đó tổ chức bình xét cho vay, có sự xác nhận của UBND xã; sau đó Ngân hàng sẽ giải ngân cho vay.

Quyết định 22 quy định, đối với vay vốn để đào tạo nghề có mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. 

Có được nguồn vốn vay này, nhiều người ra tù đã đầu tư vào học nghề giúp phát triển các kỹ năng cần thiết để tái hòa nhập hiệu quả vào thị trường lao động. Nhiều người đã sử dụng nguồn vốn để khởi nghiệp hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh cá nhân như: chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh nhỏ... Đồng thời, chính sách này cũng khuyến khích các cơ sở kinh doanh mạnh dạn tiếp nhận các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại cơ sở mình để có công ăn việc làm ổn định, góp phần vào sự phát triển của xã hội nói chung và của địa phương nói riêng.

Ông Nguyễn Xuân Cơ, Bí thư Chi bộ phố Phượng Đình 2, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa cho biết, chính sách này có ý nghĩa rất thiết thực trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời giúp địa phương tăng cường đảm bảo an ninh trật tự. Trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ, cũng như giám sát quá trình thực hiện nguồn vốn minh bạch, hiệu quả.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là rất đúng và “trúng”, đạt đa mục đích: vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa đảm bảo an ninh trật tự, thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội rất tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti.

Đại tá Nguyễn Văn Long (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an) nhấn mạnh, quá trình triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa lực lượng Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương.

"Nỗ lực này không chỉ đảm bảo việc triển khai chính sách một cách minh bạch và đúng quy định mà còn thực sự mang lại những lợi ích thiết thực cho người chấp hành xong án phạt tù, từ đó góp phần đưa chính sách nhân văn, nhân đạo về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vào cuộc sống", Đại tá Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác truyền thông, các thông tin về chính sách và quyền lợi khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã được thực hiện rộng rãi thông qua các kênh truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người chấp hành xong án phạt tù và cộng đồng, giúp giảm định kiến và tăng cường sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Công an các địa phương đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan để rà soát, xác minh danh sách người đủ điều kiện vay vốn, xác định rõ nhu cầu vay vốn của từng người chấp hành xong án phạt tù, đảm bảo các thủ tục cho vay tuân thủ các quy định pháp luật.

Bên cạnh đó là phát triển các chương trình tư vấn, giới thiệu, đào tạo nghề. Các chương trình đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm đã được triển khai nhằm cung cấp kỹ năng cần thiết cho người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau khi trở cộng đồng.

Nhiều địa phương đã sáng tạo tổ chức mở các “Phiên giao dịch việc làm” dành cho người chấp hành xong án phạt tù. Tại đó, họ được Trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn, hướng nghiệp; các doanh nghiệp tư vấn tuyển dụng lao động và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thủ tục cho vay, giải ngân ngay vốn vay rõ ràng, minh bạch, đúng quy định. Việc phối hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù cũng là một phần quan trọng của quá trình triển khai, nhằm đảm bảo rằng họ không chỉ được đào tạo mà còn có cơ hội được làm việc trong một môi trường ổn định.

Về công tác giám sát, lực lượng Công an cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan đã thiết lập một hệ thống giám sát để theo dõi và đánh giá việc sử dụng vốn vay, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời đảm bảo rằng các khoản vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới