Hiểu về nghề trợ giúp viên pháp lý
07/11/2024 15:27
Trong xã hội hiện đại, vấn đề pháp luật ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi mỗi người cần có kiến thức nhất định để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp. Chính vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý ra đời.
Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho đối tượng tại phiên tòa
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Với vai trò nòng cốt, trợ giúp viên pháp lý đã và đang dùng kiến thức, kỹ năng, tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp của mình góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trợ giúp viên pháp lý được đào tạo chuyên môn, có kỹ năng và trách nhiệm, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí đến đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật) thông qua các hoạt động nghề nghiệp, như: Tư vấn pháp luật giải đáp thắc mắc, hướng dẫn pháp lý liên quan đến cuộc sống hàng ngày (hôn nhân gia đình, đất đai, lao động); tham gia tố tụng nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng tại phiên tòa. Chính vì thế, trợ giúp viên pháp lý cần phải có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực pháp luật liên quan đến đời sống.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang hiện có 10 trợ giúp viên pháp lý. Hàng năm, mỗi trợ giúp viên pháp lý thực hiện khoảng 60 vụ việc dưới hình thức tham gia tố tụng. Bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp, họ còn tâm huyết, góp phần “xóa nghèo” pháp luật; giúp người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đây là động lực để đội ngũ trợ giúp viên pháp lý không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Khối lượng công việc thực hiện trong năm khá lớn, yêu cầu nhiệm vụ cao, nhưng họ phải đảm bảo thực hiện tốt trợ giúp pháp lý, đáp ứng kịp thời hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn điều tra, truy tố xét xử. Ngoài ra, trợ giúp viên cũng thường xuyên chia sẻ, động viên giúp đỡ đối tượng được trợ giúp pháp lý vững tin vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang Phan Văn Hùng chia sẻ: “Có thể nói, nghề trợ giúp viên pháp lý mang ý nghĩa xã hội rất nhân văn sâu sắc, là nghề nghiệp đầy thử thách nhưng cũng rất ý nghĩa. Trong thời gian tới, Trung tâm trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm đào tạo bổ sung nguồn trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng, kiến thức nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, trợ giúp viên pháp lý vẫn tự hào, tận tâm cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tận tâm gắn bó với nghề của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan tiến hành tố tụng để đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đi vào chiều sâu, nhằm tăng số lượng, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
Sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương
Thời tiết ngày 23/11: Mưa to khả năng gây ngập lụt tại vùng trũng Trung Bộ
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL
Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominicana
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Cần giảm tối đa về thuế cho ngành báo chí
Nhu cầu sử dụng thuốc y học cổ truyền đạt chuẩn rất lớn
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ
Khắc phục cơ chế 'xin-cho' trong thực hiện dự án nhà ở thương mại