Giúp trẻ ứng xử khéo léo khi đi chúc Tết và nhận lì xì
29/01/2025 13:11
Tết là dịp trẻ em được cùng bố mẹ đến thăm, mừng tuổi ông bà, họ hàng và nhận lì xì - phong tục mang ý nghĩa chúc phúc và may mắn đầu năm. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng biết cách ứng xử đúng mực khi nhận lì xì. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Cường, Khoa Phòng khám chất lượng cao – Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ một số cách để giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ này và ứng xử phù hợp trong dịp Tết.
Theo bác sĩ Cường, lì xì không chỉ đơn thuần là tiền mà còn chứa đựng tình cảm, lời chúc tốt đẹp từ người lớn. Vì thế, phụ huynh nên giải thích cho trẻ hiểu việc nhận lì xì còn là nhận những lời chúc phúc, may mắn và tài lộc từ ông bà, cha mẹ và người thân.
Để giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị tinh thần của tục lì xì, phụ huynh có thể kể cho trẻ nghe các câu chuyện Tết, nhấn mạnh ý nghĩa tinh thần của việc tặng lì xì. Việc này giúp trẻ hiểu về điều quan trọng là lời chúc tốt đẹp và sự yêu thương từ người tặng. Đây chính là cách thể hiện tình cảm, gắn kết các thế hệ trong gia đình, là dịp để cả nhà thêm gần gũi, vui vẻ với nhau. Bằng cách này, trẻ sẽ trở nên hiểu biết và trân trọng khi đón nhận.
Bên cạnh hiểu biết về ý nghĩa của tục lì xì, theo bác sĩ Nguyễn Quốc Cường, trước khi đi chúc Tết, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ các quy tắc ứng xử lễ phép. Trẻ có thể học thuộc trước một số lời chúc ngắn gọn. Nếu trẻ còn nhỏ, phụ huynh có thể đóng vai diễn tập trước tại nhà.
Khi nhận lì xì, phụ huynh hướng dẫn trẻ đón nhận bằng cả hai tay, nói lời cảm ơn một cách chân thành, tránh mở bao lì xì ngay tại chỗ để giữ phép lịch sự. Khuyến khích trẻ giao tiếp tự nhiên, giúp trẻ trò chuyện với ông bà hoặc người thân, chẳng hạn hỏi thăm sức khỏe, kể về những điều vui trong năm qua.
Việc quản lý tiền lì xì cũng cần được phụ huynh quan tâm. Bác sĩ Cường cho rằng, đây là cơ hội tốt để giáo dục trẻ về ý thức trách nhiệm, giá trị của tiền và kỹ năng quản lý. Phụ huynh cần xem xét độ tuổi, tính cách và sự trưởng thành của trẻ để đưa ra cách thức phù hợp.
Cụ thể, đối với trẻ nhỏ (khoảng dưới 10 tuổi) chưa nhận thức rõ về giá trị của tiền, phụ huynh nên quản lý tiền lì xì giúp trẻ. Phụ huynh hãy giải thích rằng số tiền này sẽ được cất giữ để sử dụng vào những việc ý nghĩa, như mua đồ dùng học tập hoặc tiết kiệm cho tương lai. Phụ huynh có thể mở một tài khoản tiết kiệm hoặc làm một "hộp tiết kiệm" để cất giữ tiền lì xì, giúp trẻ thấy an tâm và học cách tiết kiệm từ nhỏ.
Với trẻ lớn hơn (khoảng từ 10-15 tuổi) hãy trao cho trẻ quyền giữ một phần tiền lì xì, phần còn lại do phụ huynh giữ giúp. Điều này dạy trẻ trách nhiệm với tài sản của mình và cần định hướng cho trẻ cách chi tiêu. Ví dụ, chia số tiền lì xì thành các phần dành cho chi tiêu trong học tập, tiết kiệm hay để làm việc ý nghĩa, giúp đỡ người khó khăn.
Trường hợp trẻ lớn hơn (trên 15 tuổi), đây là độ tuổi đã có khả năng tự quyết định nhiều vấn đề và cần học cách quản lý tài chính cá nhân. Phụ huynh có thể tin tưởng để trẻ tự giữ toàn bộ số tiền lì xì. Tuy nhiên, cần nhắc nhở trẻ cách lập kế hoạch chi tiêu cụ thể.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Vùng đất biên cương 'hồi sinh'
Gỡ ‘nút thắt’ pháp lý để nâng hạng thị trường chứng khoán
Ngày hội hướng nghiệp, chọn nghề cho tương lai
Người bệnh tiểu đường cần cảnh giác với bệnh cúm
Thời tiết ngày 16/2: Bắc Bộ mưa ẩm, trời rét, vùng núi có nơi rét đậm
Bộ Công an thông báo về tổ chức khủng bố 'Ủy ban cứu người vượt biển'
Sự kiện nổi bật trong tuần từ 10 - 15/2
Trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ
Cả nước đã hỗ trợ xóa 106.189 căn nhà tạm, nhà dột nát
Thời tiết ngày 15/2: Bắc Bộ có mưa phùn, trưa chiều trời nắng