Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước
06/01/2025 17:00
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương; Ban Công tác đại biểu; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong công văn này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Kết luận số 09-KL/TW; căn cứ Thông báo số 49-TB/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Để tổ chức triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành và các địa phương tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, nhất là những người bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện chủ trương của Đảng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kịp thời khen thưởng, động viên đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình và thực tiễn của bộ, ban, ngành và địa phương gắn với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm quản lý quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ban, ngành và địa phương phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao.
Định kỳ thứ Tư hằng tuần, báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn (nếu có) gửi về Bộ Nội vụ (cơ thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nghị định 178/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31/12/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng cho biết, Nghị định đưa ra 8 nhóm chính sách chính: Chính sách áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn; chính sách đối với người đi công tác ở cơ sở; chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang.
Chính phủ giao trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện cho các bộ, ngành ở Trung ương; UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc ban hành tiêu chí đánh giá và tiến hành thực hiện rà soát tổng thể chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, xác định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp thuộc đối tượng của nghị định này để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Sự kiện lịch sử 7/1: Biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế Campuchia - Việt Nam
Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc
Phấn đấu đến 2035, 90% học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước
Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn
An Giang phấn đấu hoàn thành thu ngân sách Nhà nước năm 2025
Thời tiết ngày 7/1: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nắng hanh trước khi mưa ẩm
Theo dõi chặt chẽ dịch bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc
Nổi bật tuần qua: Thực hiện quyết liệt phòng, chống lãng phí; 10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Tuyển sinh đại học 2025: Dự kiến bỏ xét tuyển sớm
Tinh gọn bộ máy: Đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc