Đoàn kết cùng hành động phục hồi nguồn nước trên toàn cầu
20/03/2024 11:53
Ngày Nước thế giới năm 2024 với thông điệp “Nước cho hòa bình” nhấn mạnh sự đoàn kết để thúc đẩy sự hài hòa và khả năng phục hồi nguồn nước trên toàn thế giới. phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ hơn về nội dung này.
Ngày Nước thế giới 22/3/2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình”. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông?
Ngày Nước thế giới 22/3/2024 được Liên Hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN-Water) cho thấy, hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, các quốc gia phải đoàn kết, cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nguồn nước, cân bằng lợi ích từ nguồn nước đối với các quốc gia sử dụng chung nguồn nước. Bởi đó đó là động lực ổn định, là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững và là “Nước cho hòa bình”.
Tuy nhiên, nếu không đoàn kết và không công bằng, nước có thể là nguyên nhân xung đột khi lợi ích của những người sử dụng nước khác nhau, không thể hòa giải hoặc khi số lượng, chất lượng nước giảm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Nước có thể là vũ khí trong xung đột vũ trang, được sử dụng như một phương tiện để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và dân cư hoặc như một phương tiện để gây áp lực cho các nhóm đối thủ. Nước cũng có thể là nạn nhân của xung đột khi tài nguyên nước là mục tiêu của bạo lực như các cuộc tấn công vào hệ thống đê điều, các nhà máy nước, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh gồm cả sông xuyên biên giới; 3.045 sông, suối nội tỉnh, các hệ thống sông lớn đều là sông xuyên biên giới... Do vậy, với chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2024, thời gian tới, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác chia sẻ trong việc khai thác nguồn nước liên quốc gia trên các sông xuyên biên giới như: Sông Mê Kông, sông Hồng, sông Mã, sông Sê San, Srepork...
Việt Nam đã gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia từ năm 2014, vậy việc giám sát thực thi các công ước quốc tế hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN tham gia Công ước này theo Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 21/5/1997. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) nhưng vẫn chưa có hiệu lực (vì chưa có đủ 35 thành viên) chính thức và có hiệu lực thi hành từ Quý III năm 2014.
Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế. Các quy định của Công ước có tính áp dụng bắt buộc đối với các quốc gia là thành viên.
Trường hợp có một hay một số quốc gia ven nguồn nước không tham gia Công ước, có thể sử dụng các nguyên tắc, biện pháp của Công ước làm cơ sở để đàm phán, đấu tranh hay thỏa thuận giải quyết các vấn đề phát sinh đối với nguồn nước liên quốc gia.
Vì vậy, việc gia nhập Công ước tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương với các quốc gia có chung nguồn nước về hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong điều kiện Việt Nam phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
Để bảo đảm các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn đời sống xã hội, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào thời gian tới, thưa ông?
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, đi vào đời sống xã hội, được tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả đảm bảo việc quản lý tổng hợp hiệu quả tài nguyên nước mang lại giá trị kinh tế, cảnh quan môi trường.
Theo đó, năm 2024, Cục tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2023; ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật. Ngành tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Tài nguyên nước 2023, cụ thể như các hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật đối với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp…
Cùng với đó, Cục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia; xây dựng Dự thảo kịch bản nguồn nước để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước đảm bảo tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt, Cục sẽ thúc đẩy triển khai nhiệm vụ phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm thí điểm cho các sông: Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy và Ngũ Huyện Khuê.
Ngành tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước đã được ban hành; vận hành các hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, theo dõi chỉ đạo vận hành các hồ chứa thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa; thúc đẩy hợp tác, nhằm tận dụng tối đa cơ hội hỗ trợ các nguồn lực quốc tế.
Về lâu dài, Cục sẽ luôn bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đã được Luật Tài nguyên nước 2023 đề ra, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ nhằm quản lý, sử dụng tài nguyên có hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, cảnh quan đảm bảo an ninh nguồn nước và tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong Luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thúc đẩy ngành game Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới
Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới
Thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký, quản lý cư trú
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Người sử dụng phải bồi thường cho người lao động khi không đóng bảo hiểm thất nghiệp
Công an An Giang tiêu hủy số lượng lớn công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ
Nhật Bản muốn cùng đồng hành với Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Thời tiết ngày 27/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi cao dưới 10 độ C