Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng

23/04/2024 17:48

Sáng 23/4, sau phiên khai mạc, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - (ASEAN Future Forum 2024 - AFF 2024) bước vào phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cùng trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
 

Điều hành Phiên họp toàn thể thứ nhất, Đại sứ, Tiến sĩ Dino Patti Djalal, Người sáng lập Cộng đồng Chính sách đối ngoại của Indonesia nhấn mạnh, các mục tiêu xây dựng Cộng đồng của ASEAN được liên kết chặt chẽ với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và Kế hoạch Tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM 2025). Diễn đàn lần này là nơi để các bên liên quan thể hiện cam kết và hành động của Hiệp hội trong việc tham gia một sự đồng thuận toàn cầu mới về các giải pháp đa phương cho các thách thức hiện tại và tương lai.

Trong số các chương trình nghị sự nổi bật có nội dung ASEAN có thể cải cách quản trị toàn cầu hướng tới một hệ thống đa phương hiệu quả hơn, đáng tin cậy hơn, toàn diện hơn và được trang bị tốt hơn để tận dụng các cơ hội của một thế giới tương lai với các công nghệ đặc trưng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), 5G và blockchain.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Diễn đàn Tương lai ASEAN, sáng kiến của Thủ tướng Việt Nam, là cơ hội để các nước, các bên liên quan trao đổi quan điểm và thảo luận về tương lai của ASEAN, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, phát triển nhanh phải là phát triển kỹ thuật số. Phát triển bền vững phải là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là những nhân tố quan trọng nhất trong thập kỷ tới. Trong kỷ nguyên số, bàn về tương lai của ASEAN, chủ yếu đề cập đến chuyển đổi số, hướng đến một ASEAN số hóa.

Chủ đề của ASEAN năm 2024 là “Tăng cường kết nối và tự cường”. Kết nối và tự cường là những yếu tố cơ bản để ASEAN có thể số hóa trong tương lai. “Tương lai của ASEAN là tương lai kỹ thuật số. Chúng ta cần một thể chế kỹ thuật số mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới và nguồn nhân lực kỹ thuật số mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ một số quan điểm về hợp tác kỹ thuật số trong ASEAN, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước hết khu vực cần phát triển một thể chế kỹ thuật số mới. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi kỹ thuật số giống như một cuộc cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ. Do đó, các nước trong khu vực cần một khuôn khổ pháp lý mới, để đảm bảo tính hợp pháp của các doanh nghiệp kỹ thuật số và được pháp luật bảo vệ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ASEAN phải có công suất cao, bền vững, xanh, thông minh, cởi mở và an toàn.

Lĩnh vực hợp tác thứ ba, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đó là phát triển nguồn nhân lực số mới. Công nghệ số sẽ trao quyền cho con người nhưng chỉ khi họ làm chủ kỹ năng số. Gần 700 triệu công dân ASEAN cần có kiến thức cơ bản về kỹ thuật số để trở thành công dân điện tử. Song đây là thách thức rất lớn vì hơn 50% dân số ASEAN đang sống ở khu vực nông thôn.

Việt Nam có nhiều sáng kiến nhằm cung cấp kỹ năng số cơ bản cho người dân như: làng số, nhóm số trong mỗi cộng đồng, sử dụng nền tảng số và các khóa học trực tuyến mở đại trà... Khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đồng nghiệp ASEAN liên quan đến những sáng kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và nêu rõ, tương lai của ASEAN là một ASEAN kỹ thuật số. Và để xây dựng ASEAN kỹ thuật số, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với tư cách diễn giả chính của phiên thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai Brunei Erywan Yusof nhấn mạnh: Khu vực Đông Nam Á có một tầm nhìn rất rõ ràng về việc mình muốn đi tới đâu, tầm nhìn cụ thể như thế nào. “Điều này tôi không thấy ở các khu vực khác như Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Á… Điều quan trọng là các quốc gia Đông Nam Á tề tựu được với nhau để cùng hình dung về tương lai của khu vực. Tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận quan trọng, cần thiết; cũng là tài sản và giá trị quan trọng của khu vực về chính trị, văn hóa của ASEAN”, ông Erywan Yusof phát biểu.

Nhằm phát triển tương lai bền vững cho ASEAN, Bộ trưởng Erywan Yusof gợi ý ASEAN cần tiếp tục tập trung duy trì hòa bình an ninh, sự tin cậy, thấu hiểu lẫn nhau. Đồng thời, Hiệp hội cần tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác đối thoại giữa các thành viên và với các đối tác. Ngoài ra, ASEAN cần phát triển đường hướng, thúc đẩy công nghệ như AI.

Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đánh giá ASEAN đã đạt được thành công to lớn trong việc duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng một cộng đồng đa dạng văn hóa. Những thành tựu này là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm: hợp tác và đồng thuận; chủ nghĩa thực tiễn; cởi mở và hội nhập; đa dạng văn hóa.

Thành công của ASEAN là bài học quý giá cho các khu vực khác trên thế giới trong việc xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển. Để tiếp tục duy trì thành công trong tương lai, ASEAN cần tiếp tục củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác và đổi mới sáng tạo.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tích cực trao đổi về các mô hình và sáng kiến quản trị tiềm năng cho phép các quốc gia thành viên ASEAN vượt qua những bất ổn kinh tế và sự phức tạp về địa chiến lược để hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng trong thời kỳ hậu đại dịch. Trong đó, cần tìm kiếm sự cân bằng hài hòa giữa nhu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng và yêu cầu về sự bền vững môi trường, quyền tự chủ chiến lược, có tính đến tầm quan trọng của việc ra quyết định dựa trên dữ liệu, quan hệ đối tác công tư và các giải pháp đổi mới trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn và chuỗi cung ứng bền vững.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới