Dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp

15/04/2025 11:53

Dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, xu hướng dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm dù đã triển khai tiêm vaccine chiến dịch; dịch sởi không chỉ ở trẻ em mà gia tăng cả ở người lớn.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.
 

Dễ biến chứng nặng

Tại khu điều trị cách ly bệnh nhân sởi của Bệnh viện Nhi Hà Nội, những ngày gần đây, số giường bệnh luôn kín vì số lượng trẻ mắc sởi nhập viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 45-50 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.

Chăm con hơn 2 tuổi đang mắc sởi tại đây, chị Cù Thị Hương (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Cháu chưa được tiêm vaccine sởi nên dễ mắc bệnh. Vì vậy, khi thấy cháu có biểu hiện sốt, phát ban, tôi cho đi bệnh viện ngay. Rất may, cháu bị biến chứng viêm phổi nhưng đã hồi phục nhanh”.

Vì không để ý lịch tiêm nên để nhỡ mũi sởi của con, khi có dịch sởi thì chưa kịp tiêm con đã mắc bệnh nên chị Hương rất lo lắng. “Dù con đã mắc bệnh nhưng ngay khi khỏi bệnh, xuất viện tôi vẫn sẽ cho cháu đi tiêm vaccine ngay cho an toàn”, chị Hương cho biết.

Cũng mắc sởi, biến chứng viêm đường hô hấp phải nhập viện, bé M.A.T (8 tháng tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) đang phải điều trị trong khu cách ly.

“Thấy cháu còn nhỏ nên tôi chưa cho cháu đi tiêm vaccine sởi. Gia đình cũng không rõ cháu bị lây sởi từ đâu, nhưng bệnh sởi dễ biến chứng nặng, tôi rất lo lắng”, mẹ bệnh nhi M.A.T cho biết.

Ths.BS. Nguyễn Sỹ Đức, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: “Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị, có khoảng 30% bệnh nhi có các biến chứng về viêm phổi, một số trường hợp dẫn tới suy hô hấp, phải thở máy. Phần lớn bệnh nhân sởi tại bệnh viện chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đầy đủ; có khoảng gần 50% bệnh nhân đã qua lứa tuổi tiêm mũi sởi nhưng chưa được tiêm khá nhiều lý do như: Trẻ ốm không được tiêm, gia đình quên tiêm, cũng có những bệnh nhân là gia đình không muốn cho con tiêm vaccine”.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị hàng chục ca mắc sởi nặng phải thở oxy, thậm chí thở máy, lọc máu… Trong số các ca nặng, có trường hợp trẻ 3 tuổi, bị biến chứng viêm não nguy hiểm. Các trẻ này cũng đều chưa được tiêm vaccine sởi.

Dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Tại Hà Nội, những tuần gần đây, thành phố ghi nhận tới hàng trăm ca mắc sởi/tuần. Đơn của như tuần vừa qua Hà Nội ghi nhận 210 ca mắc sởi, các tuần trước đó đều trên 200 ca.

Theo nhận định của lãnh đạo CDC Hà Nội, số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng và có xu hướng tăng ở nhóm trên 6 tuổi.

Còn tại TP Đà Nẵng, dịch sởi cũng đang tăng lên. Theo đại diện Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, dịch sởi tại đây có chiều hướng tăng liên tục từ tháng 2/2025 đến nay. Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 6/4, toàn thành phố đã ghi nhận khoảng 3.700 ca nghi sởi, trong đó có 973 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Trước tình hình bệnh sởi gia tăng, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh sởi. Bên cạnh việc đã gấp rút, nỗ lực hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi; thành phố cũng bố trí khoảng 700 giường bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để đáp nhu cầu điều trị bệnh nhân mắc và nghi sởi và khoảng 30 giường điều trị bệnh nhân sởi nặng; nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh sởi được bảo đảm.

Tại Quảng Bình, số ca trẻ mắc sởi cũng tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có 45 - 50 bệnh nhân sởi và sốt phát ban nghi sởi đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình). Bệnh viện phải dành toàn bộ một đơn nguyên nhi để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sởi. Có những thời điểm, khoa Nhi phải mượn giường, máy móc để đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú. Nhiều trẻ mắc sởi gặp biến chứng như: Viêm phổi nặng, có trẻ phải thở máy…

Trước tình hình dịch sởi vẫn tăng cao, các địa phương đang tập trung các biện pháp để đáp ứng điều trị, tăng cường tiêm vaccine để đảm bảo ngăn dịch lây lan.

Người lớn cũng mắc sởi nặng

Mới đây, Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin đã ghi nhận một ca người lớn mắc sởi tử vong. Bệnh nhân tử vong do mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Trung bình mỗi ngày tại Viện có từ 10-20 ca mắc sởi đến khám và nhập viện. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng với biến chứng như: Viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não; có khoảng 5% bệnh nhân nhập viện có biến chứng như: Viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản…

Trước tình hình xuất hiện nhiều ca sởi ở người lớn, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đề nghị, Viện Y học nhiệt đới nghiên cứu dịch tễ các ca sởi người lớn để biết tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với những ca sởi người lớn, từ đó đưa ra những khuyến cáo phù hợp.

Bộ Y tế cũng nhận định, hiện nay dịch bệnh sởi đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã ghi nhận trường hợp tử vong. Bộ yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sởi nhằm hạn chế các trường hợp nặng tử vong, khuyến cáo dành riêng cho các nhóm nguy cơ cao dễ diễn biến nặng khi mắc sởi.

Theo đại diện Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.

Bộ khuyến cáo những người có nguy cơ cao như người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi, nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi để có miễn dịch phòng bệnh.

Còn theo TS. Đỗ Duy Cường, nhiều người chủ quan cho rằng, sởi chỉ là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, thực tế bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Đặc biệt, những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc. Do đó, khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

“Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm. Do đó, việc tiêm vắc xin đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Sởi không đơn giản như nhiều người lầm tưởng, hãy chủ động phòng ngừa trước khi quá muộn”, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới